Các chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Friedrich Merz trên cương vị Thủ tướng Đức hôm 7/5 là một phần trong nỗ lực làm mới quan hệ giữa Berlin với các đồng minh hàng đầu của đất nước trong bối cảnh mới.
Ông Merz – lãnh đạo khối CDU/CSU bảo thủ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 2 – là một chính trị gia "thân" châu Âu, xuyên Đại Tây Dương và "thân" Ukraine.
Tân Thủ tướng đã tuyên thệ khôi phục vai trò của Đức trên trường thế giới sau nửa năm tê liệt vì biến động chính trị trong nước.
"Sau nhiều năm đấu đá nội bộ và tự vấn chính trị dưới thời chính phủ trước, điều cần thiết hiện nay là sự lãnh đạo của Đức không chỉ quan sát chính sách của châu Âu mà còn giúp định hình chính sách đó", bà Jana Puglierin, người đứng đầu Văn phòng Berlin của tổ chức tư vấn Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), cho biết.

Ông Friedrich Merz tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức, ngày 6/5/2025. Ảnh: Novinite
Nhưng chính phủ liên minh mới của ông Merz với Đảng SPD trung tả đã có một khởi đầu gập ghềnh khi ông không giành được đủ số phiếu bầu cần thiết trong vòng bỏ phiếu đầu tiên bầu Thủ tướng Đức tại Hạ viện Đức (Bundestag).
Sau sự kéo lùi "chưa từng có tiền lệ" hôm 6/5, cuối cùng chức vụ Thủ tướng Đức của ông đã được xác nhận trong vòng bỏ phiếu thứ hai sau đó trong ngày.
Vị thế từng rất mạnh mẽ của ông Merz đã bị lung lay phần nào khi không nhận được sự chấp thuận của Bundestag ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên, bà Claire Demesmay từ viện nghiên cứu Centre Marc Bloch của Berlin nói với AFP.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Merz khi ông cuối cùng đã thành công vượt qua "ải" Bundestag.
Người đứng đầu Điện Elysee nói rằng ông hy vọng hai bên có thể "làm cho đầu tàu Pháp-Đức mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
"Chúng ta phải đẩy nhanh chương trình nghị sự châu Âu về chủ quyền, an ninh và khả năng cạnh tranh. Vì người Pháp, vì người Đức và vì tất cả người châu Âu", ông Macron viết trên X trước khi đón tiếp nhà lãnh đạo mới của Đức ở Paris.
Theo thông lệ, sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Đức thường dành chuyến thăm đầu tiên của mình tới Pháp. Nhưng ông Merz đã dành cho chuyến thăm này sự quan trọng đặc biệt.
Ông Merz đã nhấn mạnh sự cần thiết phải khởi động lại mối quan hệ Pháp-Đức ở cốt lõi của EU, vốn được cho là đã bị đình trệ dưới thời cựu Thủ tướng Olaf Scholz của Đảng SPD trung tả.
Tân Thủ tướng Đức ngay sau khi thăm Paris, sẽ đến Warsaw sau đó trong ngày 7/5. Trong thỏa thuận liên minh giữa khối CDU/CSU của ông Merz và Đảng SPD, trọng tâm đặc biệt được dành cho "tăng cường tình hữu nghị" với Pháp và Ba Lan.
Tài liệu nêu rõ, 3 nước nên "liên kết chặt chẽ với nhau về mọi khía cạnh liên quan của chính sách châu Âu để chúng ta có thể hành động theo cách thống nhất nhất có thể vì lợi ích của toàn bộ EU".
Trong nhóm của ông Merz, "rõ ràng là có ý chí hợp tác chặt chẽ với hai nước này", ông Martin Koopmann, Giám đốc Quỹ Genshagen, cho biết.
Tân Thủ tướng Đức cũng "cởi mở" hơn so với người tiền nhiệm trong việc gửi tên lửa tầm xa Tarus tới Ukraine, và triển khai quân đội như một phần của lực lượng gìn giữ hòa bình đến quốc gia Đông Âu nếu một lệnh ngừng bắn đạt được.
Ngay cả trước khi nhậm chức, liên minh của ông Merz đã đạt được mục tiêu nới lỏng biện pháp "phanh nợ", mở đường cho tăng chi tiêu quốc phòng.
Thủ tướng Đức Merz hôm 6/5 cho biết thách thức số một của chính phủ ông sẽ là bảo vệ "hòa bình và tự do".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó đã viết trên X rằng, "Chúng tôi chân thành hy vọng rằng Đức sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa và chúng ta sẽ thấy nhiều sự lãnh đạo của Đức hơn trong các vấn đề châu Âu và xuyên Đại Tây Dương".
Để phản hồi, ông Merz sau đó nói rằng, "Tổng thống Zelensky biết rằng ông ấy có thể tin tưởng vào tôi và vào nước Đức".
Minh Đức (Theo Hurriyet Daily News, Reuters)