Ngành thanh tra thêm nhiệm vụ phòng, chống lãng phí

08/05/2025 12:30

Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng, chống lãng phí, về kiểm soát quyền lực.

Sáng 8/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình dự án luật cho biết qua tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 9 chương và 64 điều.

Đáng chú ý, sau khi sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của 12 Thanh tra Bộ. Thanh tra tỉnh tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra cấp huyện, Thanh tra sở.

Dự thảo luật sửa đổi, hoàn thiện khái niệm thanh tra, quy định thống nhất một hoạt động "thanh tra", không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Ông Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh tra khác tiến hành thanh tra theo một trình tự, thủ tục thống nhất.

Ngành thanh tra thêm nhiệm vụ phòng, chống lãng phí- Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình (Ảnh: Media Quốc hội).

Đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ trong công tác phòng, chống lãng phí cho các cơ quan thanh tra.

Theo đó, các cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng, chống lãng phí, về kiểm soát quyền lực.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban nhận thấy một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh quy định đang kế thừa quy định của luật hiện hành là chưa thực sự bám sát những đổi mới trong tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra.

"Các quy định đó chỉ phù hợp với bối cảnh ở các Bộ có Thanh tra Bộ, ở một số sở chuyên môn và UBND cấp huyện có tổ chức cơ quan thanh tra", ông Tùng nêu và đề nghị rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh trong dự thảo luật để chỉnh lý, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra sau sắp xếp.

Ngành thanh tra thêm nhiệm vụ phòng, chống lãng phí- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).

Ngoài ra, trong cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng, việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh đòi hỏi sự điều chỉnh lớn về cơ cấu tổ chức, biên chế, nhân sự.

Do đó, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp để bảo đảm không gián đoạn hoạt động thanh tra, cũng như có sự đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực của các cơ quan thanh tra, không dẫn đến quá tải công việc, đồng thời, bảo đảm về chuyên môn đa ngành khi tập trung về Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh các chức năng thanh tra chuyên ngành.

Sau sắp xếp, Thanh tra Chính phủ có thực hiện thanh tra chuyên ngành?

Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ cơ chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ không tổ chức Thanh tra Bộ và giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành, với UBND cấp xã để bảo đảm yêu cầu chuyên môn trong thanh tra các lĩnh vực đặc thù và ở cơ sở.

Dự thảo Luật quy định các cơ quan thanh tra gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bao gồm Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra khác theo quy định của Chính phủ; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (sau đây gọi là Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế).

Bạn đang đọc bài viết "Ngành thanh tra thêm nhiệm vụ phòng, chống lãng phí" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).