Sau 5 năm thực thi CPTPP, doanh nghiệp Việt vẫn "bỏ ngỏ" thị trường châu Mỹ

02/10/2024 17:00

Việt Nam sẽ là Chủ tịch Hội đồng của CPTPP vào năm 2026, vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ và tận dụng tối đa những lợi ích và tiềm năng thương mại từ thị trường châu Mỹ.

Xuất siêu ở thị trường châu Mỹ tăng gần gấp 3 lần

Sáng 2/10, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo "CPTPP: Tăng cường hợp kinh tế - thương mại với các đối tác châu Mỹ". Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá kết quả sau 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây.

Sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm Canada, Mexico, Chile, và Peru.

"Để biến những cơ hội này thành hiện thực, không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phối hợp chặt chẽ. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong quản lý xuất nhập khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác quốc tế", ông Long nhấn mạnh.

CPTPP

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Thanh Loan).

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023 - mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2013 lên 1.127 tỷ USD năm 2023. Xuất siêu ở các thị trường này cũng tăng gần gấp 3 lần, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD.

Việc tham gia CPTPP đã thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn.

Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp hơn mà còn góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài. Mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ đã và đang được củng cố qua các cam kết chiến lược.

Sau 5 năm thực thi CPTPP, doanh nghiệp Việt vẫn

Đại sứ Shawn Steil - Đại sứ Canada tại Việt Nam (Ảnh: Thanh Loan).

Đại sứ Shawn Steil - Đại sứ Canada tại Việt Nam chia sẻ, Hiệp định đã mang lại lợi ích, mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư lớn cho cả người dân, doanh nghiệp hai nước. CPTPP chính là đòn bẩy nâng cao kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam - Canada.

Doanh nghiệp chưa dành nhiều nguồn lực cho thị trường châu Mỹ

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, việc các nước tiến hành rà soát tổng thể toàn bộ việc thực thi CPTPP giúp tạo ra các không gian hợp tác thương mại song phương.

Cùng với đó, thương mại thế giới đang phục hồi, UK gia nhập CPTPP và nhiều nền kinh tế khác cũng xin gia nhập, tạo thêm cơ hội nắm bắt và phát triển khi dư địa tăng trưởng còn lớn, tiềm năng giữa Việt Nam và các nước còn nhiều.

Nói về thách thức, ông Ngô Chung Khanh cho rằng vì khoảng cách xa xôi khiến chi phí kinh doanh gia tăng, các doanh nghiệp chưa dành nhiều sự quan tâm và nguồn lực cho thị trường châu Mỹ.

Sau 5 năm thực thi CPTPP, doanh nghiệp Việt vẫn

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Ảnh: Thanh Loan).

Các tiêu chuẩn, quy định về môi trường, lao động, truy xuất nguồn gốc ngày càng nghiêm ngặt, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng. Vấn đề thanh toán và rủi ro trong giao dịch thương mại trở nên phức tạp hơn, khi các ngân hàng áp dụng các điều khoản thanh toán khắt khe hơn. Đồng thời, chi phí tuân thủ các quy định ngày càng tăng, ăn mòn lợi thế về thuế quan mà các FTA mang lại.

Ngoài ra, ông Khanh cũng cho rằng, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam từ CPTPP đang ngắn dần với các FTA, các nước trong khu vực cũng đang dần tham gia Hiệp định. Vì vậy, cần có thêm cơ chế hợp tác chuyên sâu theo lĩnh vực, kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Mỹ.

"Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ lợi ích cũng như cách thức tận dụng CPTPP để đầu tư và phát triển hơn thị trường tiềm năng này", ông Khanh nói.

Đáng chú ý, năm 2026 Việt Nam sẽ là Chủ tịch Hội đồng của CPTPP, ông Khanh kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tối đa và khai thác hiệu quả từ việc thực thi Hiệp định CPTPP.

Thanh Loan

Bạn đang đọc bài viết "Sau 5 năm thực thi CPTPP, doanh nghiệp Việt vẫn "bỏ ngỏ" thị trường châu Mỹ" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).