Sáng tạo để khởi nghiệp thành công

14/11/2024 12:30

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nhà nông ở Đồng Nai đã phát huy sáng tạo để làm ra những sản phẩm mới và được thị trường đón nhận...

Chú thích ảnh Thăm quan cơ sở nước chấm Hoa Sen.

Giữ nghề truyền thống bằng phương pháp hiện đại

Huyện Thống Nhất có vùng trồng cây thanh long ruột đỏ. Thông thường, trái thanh long ruột đỏ luôn được thu mua xuất khẩu với giá cao. Tuy vậy cũng có lúc vào mùa thu hoạch rộ nhưng không xuất khẩu được và giá thanh long rất rẻ, từ đó nhiều nhà nông nghĩ ra cách ủ thanh long cho lên men làm thức uống theo cách tự nhiên.

Gia đình anh Ngô Thanh Long, ở xã Hưng Lộc, có nghề truyền thống ủ trái cây lên men để làm nước uống. Từ trái thanh long ruột đỏ, gia đình anh đã tìm tòi thử nghiệm chế biến thành thức uống lên men- rượu vang thanh long. Khi sản phẩm bán ra thị trường, đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao đã tạo động lực cho gia đình đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại (từ khâu sơ chế, tách vỏ, xay nhuyễn) để nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm

Hiện tại, nước ép lên men- rượu vang thanh long Ana của gia đình anh được bảo hộ độc quyền về kiểu dáng công nghiệp và đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Đồng Nai. Ngoài rượu Vang thanh long đỏ, cơ sở còn sản xuất rượu bưởi, rượu điều...

Anh Long cho biết, để có được loại vang thơm ngon đặc trưng của trái thanh long ruột đỏ, phải kiểm soát rất kỹ từ khâu chọn nguyên liệu, chỉ chọn những trái chín đạt tiêu chuẩn, ép lấy nước, với phần thịt trái và đường theo tỷ lệ nhất định; sau đó cho hỗn hợp vào lu sành ủ trong thời gian từ 5-6 tháng,  sẽ cho ra thành phẩm là rượu vang. Để có được các mẻ vang thanh long thành công, là cả một quá trình nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, với không ít lần thất bại.

Anh Long cho biết thêm, hiện nay, nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, việc sản xuất nước ép trái cây và rượu vang thanh long đỡ vất vả hơn, mà chất lượng cũng luôn bảo đảm. Để có nguyên liệu tốt sản xuất rượu vang, cơ sở liên kết với bà con nông dân trong Tổ hợp tác thanh long sạch Hưng Lộc trồng và cung cấp cho cơ sở trái thanh long hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học...

Từ lâu, người dân đã biết sử dụng trái cây như dứa, điều... để làm nước mắm không kém phần và thơm ngon và bổ dưỡng cho người ăn chay. Ngoài ra, nước mắm chay còn được sản xuất từ đậu nành và nấm, nhưng quá trình lên men lâu hơn. Nhận thấy tiềm năng của Đồng Nai có nguồn nguyên liệu phong phú là trái dứa, nên cơ sở Nước chấm Hoa Sen (thành phố Long Khánh) chọn quả dứa để làm nguyên liệu chính cho sản phẩm nước mắm chay.

"Nước mắm chay Hoa Sen được ủ từ những quả dứa vừa chín tới, muối tinh khiết và đường phèn tự nhiên không chất bảo quản, không phụ gia hay phẩm màu độc hại, nên có hương vị ngọt thanh và chua nhẹ, đồng thời có mùi thơm đặc trưng", Giám đốc điều hành Hoa Sen, ông Trần Trí Dũng, cho biết.

Nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng cho sản phẩm, cơ sở đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, tự động hóa theo quy trình khép kín, hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Ngoài nước mắm chay từ dứa, cơ sở Hoa Sen hiện có hơn 30 nhãn hàng, trong đó hầu hết có thể dùng cho người ăn chay. Sản phẩm của cơ sở Hoa Sen không chỉ bán rộng rãi trong nước mà còn xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.

Chú thích ảnh Rượu vang thanh long đỏ Ana được khách hàng yêu thích.

Khai phá tiềm năng mới

Cây ca cao được trồng tại nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Trước đây, nhà nông chỉ bán hạt, còn lại toàn bộ trái hầu như bị vất bỏ.

Ông Đặng Trường Khâm, một bác sĩ quân y có đam mê với trái ca cao, đã từ TP Hồ Chí Minh về vùng Định Quán (Đồng Nai) mua đất trồng ca cao và thành lập Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức.

Khởi nghiệp với 5.000 cây ca cao, ông Khâm nhận thấy phần cơm của hạt ca cao có thể ép nước, ủ và lên men để sử dụng được, nhưng nhà nông còn lãng phí vất bỏ. Nghĩ là làm, ông Khâm quyết định tìm tòi, nghiên cứu, tận dụng tất cả mọi thành phần của trái (gồm nước ca cao và cơm thịt của trái) để chế biến thành sản phẩm hữu ích. sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm,

Công ty TNHH ca cao Trọng Đức đã cho ra đời sản phẩm rượu vang ca cao có hương vị thơm ngon đặc trưng, nên được nhiều người  tìm mua và sử dùng. Năm 2019, rượu vang cao cao của công ty Trọng Đức được đánh giá 3 sao trong chương trình OCOP của tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Khâm, nếu chỉ bán ca cao hạt, thì 10 tấn ca cao tươi chỉ thu 1 tấn hạt khô, còn lại đều bỏ đi. Nhưng khi tận dụng, ép 10 tấn ruột ca cao sẽ được 500 kg nước cốt và từ đó sản xuất ra hàng trăm chai rượu vang. Như vậy, nếu tận dụng phần cơm trong trái ca cao sẽ làm giá trị thu nhập gia tăng không nhỏ. 

Vườn cây ca cao nguyên liệu của Công ty Trọng Đức cũng trở thành điểm đến du lịch đặc sắc của địa phương. Khách đến tham quan vườn sẽ được mời thử tất cả sản phẩm ca cao của công ty, từ ly ca cao nóng cho đến rượu vang ca cao...

Cũng khởi nghiệp từ nông nghiệp và ham học hỏi, sáng tạo, anh Trần Hoàn Thiện, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lợi (xã Bình Lợi huyện Vĩnh Cửu) đã nghiên cứu và chiết xuất thành công tinh dầu bưởi.

Huyện Vĩnh Cửu từ lâu nổi tiếng với nghề trồng bưởi. Trong quá trình chăm sóc, nhà nông phải cắt bỏ những trát bưởi xấu, non, cho cây dồn sức nuôi các trái đẹp, chất lượng được giữ lại.

Do gắn bó với với cây bưởi và mong muốn khai thác tối đa giá trị từ cây bưởi mang lại,  nên anh Thiện nảy ra ý tưởng tận dụng những trái bưởi thải loại để chiết xuất tinh dầu. Suốt nửa năm trời làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần, cuối cùng anh Thiện chiết xuất được sản phẩm tinh dầu bưởi ưng ý.

Anh Thiện kể, thời gian đầu, anh sử dụng dao bào gọt vỏ bưởi, sau đó băm nhỏ, xay bằng máy xay sinh tố, rồi chưng cất tinh dầu theo cách thủ công, ép tách qua chai thủy tinh. Sau khi đã nắm vững cách chiết xuất tinh dầu hiệu quả, anh mua sắm đầy đủ máy móc ở hầu hết các khâu: Gọt, nghiền nhỏ vỏ bưởi, nồi chưng cất tinh dầu…và mở rộng quy mô sản xuất cho ra số lượng tinh dầu số lượng lớn bán ra thị trường với thương hiệu tinh dầu bưởi Hương Quê.

Theo anh Thiện, cứ 1 tấn trái bưởi nguyên liệu thì bào được 200kg vỏ và chưng cất được 1 lít tinh dầu. Phần bã nấu tinh dầu bưởi cũng được tận dụng làm phân hữu cơ bằng cách xử lý ủ với men vi sinh.

Để có nguyên liệu sản xuất, HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lợi đã thu mua lại vỏ bưởi, bưởi non để chế biến, chiết xuất tinh dầu bưởi. Như vậy, từ nguyên liệu đáng lẽ bị bỏ phí thì anh Thiện đã tận dụng biến thành sản phẩm bán ra tiền, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đang là xu thế mà hầu hết nhà nông, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đồng Nai, trong đó có đông đảo thanh niên áp dụng, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai, anh Nguyễn Minh Kiên, nhận xét: Với những chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc, hỗ trợ từ các cấp, các ngành; thanh niên Đồng Nai đang có một môi trường hết sức thuận lợi để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, sự hỗ trợ từ công nghệ AI (điển hình như công cụ ChatGPT) giúp người trẻ có thể truy xuất thông tin nhanh hơn, chính xác hơn về những phương thức, cách làm hiệu quả trong quá trình học hỏi, tìm hiểu kiến thức mới để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Ngày nay, nhà nông trẻ Đồng Nai đã biết đưa công nghệ trên cánh đồng như: Cảm biến kết nối vạn vật (IoT Sensors), công nghệ đèn LED hỗ trợ canh tác trong nhà lưới đáp ứng sinh trưởng và năng suất tối ưu, thiết bị bay không người lái hỗ trợ phun thuốc trừ sâu với định lượng chuẩn và các vệ tinh được sử dụng để thu thập dữ liệu của các trang trại,....

Nhằm khuyến khích, đồng hành, hỗ trợ, tạo thêm động lực cho thanh niên lập nghiệp, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều Chương trình “Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp”, Cuộc thi “Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp, Hội thi Thanh niên Đồng Nai đồng hành cùng sản phẩm OCOP”, Hội thi “KOLs chung tay xây dựng thương hiệu OCOP”...

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã xây dựng dự thảo “Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên Đồng Nai khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 – 2030”, dự thảo đã có sự thống nhất của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh và đã có Tờ trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương triển khai.

Mục tiêu Đề án hướng đến là hỗ trợ về vốn (tổng kinh phí 60 tỷ đồng) với cơ chế ưu đãi dành riêng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các dự án khởi nghiệp gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thanh niên.

Theo đại diện Sở NN & PTTNT tỉnh, những năm qua, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhà nông và doanh nghiệp Đồng Nai khởi nghiệp và thành công ngày càng nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tăng cường chế biến để nâng cao giá trị nông sản và làm giàu, đến nay Đồng Nai đã có 248 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 136 chủ thể, trong đó, 202 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao. Phân theo nhóm sản phẩm có, 228 sản phẩm nhóm thực phẩm, chiếm 92,95% sản phẩm được chứng nhận OCOP trên toàn địa bàn tỉnh, 5 sản phẩm nhóm đồ uống, chiếm 2,07%, 3 sản phẩm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, chiếm 1,24%, 12 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chiếm 3,73%.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2025. Theo đó, đề ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025, có 88 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, tổ hợp tác và 30% chủ thể là các doanh nghiệp. Mặt khác, các sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng OCOP được củng cố và nâng cấp ít nhất 20%...

Bạn đang đọc bài viết "Sáng tạo để khởi nghiệp thành công" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).