Room ngoại ngân hàng: Lá bài chiến lược giữa làn sóng chia cổ tức

03/05/2025 12:30

Trong bối cảnh cổ tức ngân hàng năm 2025 tăng mạnh, room ngoại lại càng trở thành “tâm điểm chiến lược”, không chỉ là chỉ số kỹ thuật mà phản ánh cách mỗi ngân hàng đang lựa chọn con đường vốn hóa riêng biệt.

Nơi kín room, nơi để trống

Tính đến tháng 4/2025, Việt Nam có 27 ngân hàng thương mại đã niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán. Trong đó, 13 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt 15%, nhiều cái tên đã kín hoặc gần kín room như ACB (29,97%), MSB (27,28%), TPBank (23,61%), VietinBank (26,76%), VPBank (24,54%), MBBank (21,17%), Techcombank (22,5%)…

Chú thích ảnh Vietinbank có tỷ lệ sở hữu nước ngoài 26,76%. Ảnh: NH 

Đây đều là những ngân hàng có hoạt động minh bạch, chiến lược kinh doanh rõ ràng, hiệu quả sinh lời ổn định và sở hữu tệp khách hàng lớn. Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư tại Dragon Capital, các nhà đầu tư nước ngoài thường đánh giá ngân hàng dựa trên ba tiêu chí: Lợi nhuận trong quá khứ và kỳ vọng tương lai; quản trị minh bạch; khả năng thoái vốn khi cần thiết.

Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng vẫn còn dư địa room ngoại rất lớn nhưng không mở rộng hoặc chỉ mở một phần nhỏ. Cụ thể, VIB giữ room ở mức 4,99%, SHB chỉ 2,77%, LPBank chỉ 0,76%. Một số ngân hàng nhỏ như KienLongBank, PGBank, VietABank, Bac A Bank gần như không có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đáng kể.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc room ngoại thấp không đồng nghĩa với sự kém hấp dẫn mà phản ánh chiến lược chủ động kiểm soát cổ đông. Nhiều ngân hàng tầm trung như LPBank, BVBank hay HDBank duy trì room ngoại chỉ từ 5 - 10% để “giữ chỗ” cho các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng.

Trường hợp của VIB là điển hình. Trước tháng 7/2024, room ngoại của ngân hàng này luôn kín ở mức 20,5%. Tuy nhiên, từ giữa năm 2024, VIB chủ động điều chỉnh room về 4,99%. Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, việc giảm room là một phần trong chiến lược tìm kiếm đối tác chiến lược mới phù hợp với định hướng dài hạn.

Việc duy trì room thấp cũng giúp ngân hàng phòng ngừa nguy cơ bị thâu tóm hoặc xáo trộn cấu trúc cổ đông, nhất là trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm có thanh khoản và tỷ trọng cao trên thị trường.

Mở lối từ Nghị định 69/2025

Một điểm nhấn đáng chú ý là từ ngày 19/5 tới đây, Nghị định 69/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, mở đường cho việc nâng room ngoại từ 30% lên tối đa 49% tại các ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Ba ngân hàng đầu tiên đủ điều kiện là MBBank, HDBank và VPBank, cũng là những cái tên đang tham gia tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu kém.

Chú thích ảnh Thống kê tỷ lệ room ngoại tại các ngân hàng. 

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital nhận định: “Room 30% từ lâu đã là rào cản khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thể gia tăng tỷ lệ sở hữu. Việc nới lên 49% là một bước mở cửa thực chất, không chỉ mang tính biểu tượng”.

Theo các chuyên gia, việc nâng room sẽ giúp ngân hàng có thêm phương án huy động vốn chiến lược, đồng thời tăng độ hấp dẫn cổ phiếu với khối ngoại, vốn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngân hàng có nội lực tốt, định hướng rõ ràng và sẵn sàng hội nhập.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng: “Room ngoại không chỉ là công cụ tài chính mà là thước đo cho mức độ hội nhập. Có nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang lại vốn, mà còn mang theo công nghệ, năng lực quản trị và chuẩn mực quốc tế”.

Bên cạnh làn sóng chờ đợi room ngoại được nới, thị trường cũng chứng kiến một số động thái thoái vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài thời gian gần đây. Điển hình là Commonwealth Bank of Australia (CBA) bán hơn 128 triệu cổ phiếu VIB trị giá khoảng 2.600 tỷ đồng. Pyn Elite Fund rút bớt khỏi STB.Dragon Capital, Norges Bank giảm tỷ lệ tại Sacombank. Portal Global Limited không còn là cổ đông lớn tại OCB sau khi bán ra hơn 40 triệu cổ phiếu.

Theo phân tích từ giới đầu tư, đây là quá trình điều chỉnh danh mục mang tính chu kỳ, nhằm hiện thực hóa lợi nhuận sau nhịp tăng giá mạnh đầu năm; đồng thời cũng có thể là bước chuẩn bị để dồn lực đầu tư vào những ngân hàng có kế hoạch phát hành riêng lẻ, nới room hoặc thu hút cổ đông chiến lược trong năm nay.

Theo nhận định của các chuyên gia, với các ngân hàng lớn, room đầy là minh chứng cho năng lực thu hút dòng vốn quốc tế. Với các ngân hàng nhỏ và trung bình, room thấp không phải là bất lợi mà là phần “để dành” trong chiến lược lựa chọn cổ đông chiến lược, kiểm soát quyền lực và giữ ổn định cơ cấu sở hữu.

Vì thế, trong bối cảnh chia cổ tức mạnh mẽ và kỳ vọng tăng vốn toàn hệ thống, room ngoại sẽ tiếp tục là lá bài chiến lược, nơi ngân hàng nội “chọn mặt gửi vàng”, còn nhà đầu tư ngoại tìm kiếm điểm tựa dài hạn để gắn bó với thị trường tài chính Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Room ngoại ngân hàng: Lá bài chiến lược giữa làn sóng chia cổ tức" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).