Quảng Trị là một trong những địa phương có nền nhiệt độ cao, trong những ngày đầu tháng 5, tại TP. Đông Hà có nắng nóng cực đỉnh với nhiệt độ lớn nhất là 44 độ C. Đây là đợt nắng nóng cao nhất kể từ năm 1976 đến nay.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, hiện nay nắng nóng kéo dài và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Trong mùa khô năm nay, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 20-30%. Mực nước trên các sông ở mức thấp hơn TBNN.
Để chủ động phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đáp ứng yêu cầu sản xuất dân sinh, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm.
Giao Sở NN&PTNT chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn đang xây dựng sớm đưa vào khai thác.
Sở Công Thương chỉ đạo Công ty Thủy điện Quảng Trị tính toán, đề xuất vận hành linh hoạt hồ chứa trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.
Còn tại Quảng Nam, mùa khô chỉ mới bắt đầu nhưng nắng nóng nhiều thời điểm trên địa bàn đã chạm ngưỡng 41 độ C.
Vụ hè thu 2024 sắp tới, Quảng Nam dự kiến triển khai gieo sạ khoảng 42 nghìn ha lúa. Thời gian đến, nếu nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng và nước mặn xâm nhập sâu vào hệ thống các sông thì rất nhiều khả năng toàn tỉnh sẽ có khoảng 15 nghìn ha lúa bị thiếu nước tưới, cần phải áp dụng các biện pháp chống hạn.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam thông tin, hiện nay đơn vị được giao quản lý và khai thác 17 hồ chứa nước và vận hành 29 trạm bơm điện có công suất lớn cùng 31 đập dâng các loại.
Trong vụ sản xuất hè thu 2024 sắp tới (gần cuối tháng 5 dương lịch bắt đầu triển khai xuống giống), đơn vị sẽ đảm nhận phục vụ nước tưới cho 25 nghìn ha cây trồng, chủ yếu là lúa.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết trong thời gian tới, đối với các khu vực có nguy cơ bị khô hạn nặng, công ty sẽ lấy nguồn nước từ các trạm bơm điện đưa lên cung ứng; đồng thời lắp đặt thêm một trạm bơm dã chiến chống hạn.
Để ứng phó khô hạn kéo dài, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân thấy rõ tình hình, nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước hết sức tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn nước thích hợp để sử dụng có hiệu quả.
Chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, đập dâng, tính toán cân đối nguồn nước để xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán do thiếu nước để bố trí cây trồng phù hợp; đối với vùng trồng lúa thường xuyên bị thiếu nước, hiệu quả sản xuất thấp, vận động nhân dân chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp.
Minh Trang