Những sự kiện đáng chú ý với thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 1/2025

14/01/2025 00:07

Nhà đầu tư cần theo dõi kỹ những sự kiện có thể tác động tới chứng khoán Việt Nam để chuẩn bị những kịch bản riêng “ứng phó” với biến động của thị trường.

So với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, VN-Index đã ghi nhận năm thứ hai tăng trưởng liên tiếp khoảng 13%, nằm trong nhóm tăng trưởng cao trong năm 2024. Dù vậy, không ít những chuyển biến trong năm 2024 khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng không kịp “trở tay”.

Sang năm 2025, nhiều nhận định cho rằng câu chuyện quan trọng tác động tới thị trường chứng khoán là kinh tế tiếp tục tăng trưởng trên nền cao, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi.

Theo đó, nhà đầu tư cần theo dõi kỹ những sự kiện có thể tác động tới chứng khoán Việt Nam để chuẩn bị những kịch bản riêng “ứng phó” với biến động của thị trường.

Dưới đây là những sự kiện đáng chú ý nhất trong tháng 1/2025:

Chứng khoán Mirae Asset thống kê Chứng khoán Mirae Asset thống kê

1/ Công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam và Mỹ (2/1)

Báo cáo mới nhất của S&P Global cho biết, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 12 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong ba tháng trở lại đây. PMI tháng 12 của Việt Nam chỉ đạt 49,8 điểm, giảm 1 điểm so với 50,8 điểm của tháng 11.

Kết quả cho thấy các điều kiện kinh doanh tổng thể đã suy giảm nhẹ vào thời điểm cuối năm.

2/ Công bố số liệu kinh tế Việt Nam quý 4 và năm 2024 (6/1)

Các dự báo lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2024 tiếp tục được đưa ra, sau khi mức tăng trưởng GDP trong quý 3/2024 là 7,4% và 9 tháng là 6,82% được Tổng cục Thống kê công bố.

Thêm vào đó, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Theo Nghị quyết, có 15 chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội quyết nghị, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm 2025 khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%.

Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh 2025 "là năm tăng tốc, bứt phá" để về đích thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025. Thủ tướng cũng yêu cầu nỗ lực tối đa, tạo đột phá thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để năm 2025 tăng trưởng ít nhất 8%, từ 2026 đạt hai con số.

3/ Công bố tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ (10/1)

Trước đó, Cục Thống kê Lao động Mỹ đã báo cáo số việc làm phi nông nghiệp trong tháng 11. Cụ thể, số việc làm phi nông nghiệp tăng 227.000 trong tháng 11, gấp 6 lần so với mức tăng 36.000 việc làm đã được điều chỉnh trong tháng 10. Số việc làm thực tế tháng 11 cũng tăng so với dự đoán của Dow Jones là 214.000 việc làm mới.

Việc làm tăng chủ yếu thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (54.000), giải trí và khách sạn (53.000), việc làm công (33.000). Đây là những lĩnh vực đã dẫn đầu trong tăng trưởng việc làm những năm qua. Trong khi đó, lĩnh vực bán lẻ ghi nhận sự sụt giảm 28.000 việc làm trước thềm mùa lễ hội.

4/ Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 12 tại Mỹ (14/1)

Vào ngày 12/12, báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố thứ Năm cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 tăng 0,4%, vượt mức dự báo của các nhà kinh tế do Down Jones khảo sát là 0,2%. So với cùng kỳ năm trước, PPI tăng 3% – mức cao nhất kể từ tháng 2/2023.

PPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,2% vào tháng 11, đúng với dự báo. So với tháng 11/2023, PPI lõi tăng 3,4%, cao hơn mức tăng 2,9% của tháng 9 và là mức cao nhất kể từ tháng 6.

5/ Công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tháng 12 (15/1)

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Tư (11/12) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của nước này tăng 0,3% theo tháng và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

CPI lõi, loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,3% so với tháng 11/2023. Đây là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tất cả con số đều khớp với dự báo của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát.

6/ Đáo hạn HĐTL tháng 1 (VN30F2501) (16/1)

7/ Công bố thành phần cổ phiếu mới trong VN30 (20/1)

Dựa trên số liệu ngày 31/12/2024, Chứng khoán Yuanta dự báo chỉ số VN30 sẽ thêm mới cổ phiếu LPB do đáp ứng đủ các điều kiện, ngược chiều cổ phiếu POW được dự báo sẽ bị loại do vốn hóa không đạt. Các quỹ ETF sẽ hoàn tất cơ cấu danh mục vào 3/2/2025.

8/ FED công bố lãi suất điều hành (30/1)

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo tháng 12 rằng "hiện Fed cần phải thận trọng trong quá trình cắt giảm lãi suất cũng như trong mọi quyết sách tiền tệ và tìm kiếm những manh mối, dữ liệu cho thấy sự tiến triển về lạm phát".

Theo Chứng khoán HSC, trong những tháng xung quanh chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cùng với việc Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả Thượng viện & Hạ viện, thị trường kỳ vọng Fed sẽ duy trì lãi suất điều hành ở mặt bằng cao trong thời gian dài hơn. Theo đó, thị trường hiện dự báo Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất điều hành 2 lần trong năm 2025 – tương đương cao hơn 50 điểm cơ bản so với dự báo tại cuộc họp tháng 9 của các thành viên FOMC.

9/ Công bố số sơ bộ GDP Mỹ (30/1)

Tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ vượt qua các quốc gia giàu có trong năm 2024. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ sẽ đạt thành tích tăng trưởng tốt nhất trong các nước G7 trong năm 2024.

The Conference Board điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2024 lên 2,7% so với cùng kỳ năm trước (từ mức 2,6%) và 2,0% vào năm 2025 (từ 1,7%). Tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ ước tính sẽ ổn định ở mức tiềm năng là 1,8%.

Bạn đang đọc bài viết "Những sự kiện đáng chú ý với thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 1/2025" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).