Như hoa

02/04/2025 10:30

Nếu để ý, hàng ngày, ta sẽ chứng kiến rất nhiều những việc tốt, người tốt. Có những việc khi được kể lên, nó khiến ta rưng rưng tới chảy nước mắt.

Tôi phải gọi điện thoại cho Phạm Tấn Lực và Lê Tiền, 2 bạn trẻ là phóng viên thường trú của 2 tờ báo xác minh lại thông tin mà các anh đã viết trên báo về việc thiếu tá Lê Đình Hải, trưởng công an xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai bỏ tiền riêng ra làm nhà cho dân để xóa nhà tạm ở địa phương. Và, may mắn, cả 2 bạn này đều xác nhận là thông tin ấy cực đúng. Lê Tiền còn nói thêm: "Ông Hải này là người khí chất cụ ạ. Họ làm một cách vô tư, không cầu phúc cầu lợi. Chỉ là thấy thương rồi làm thôi".

Đại loại chuyện nó như thế này: "Bà H’Gue (người Jrai) bị tàn tật từ nhỏ, không thể đi mà chỉ chống tay lết từng bước một. Căn nhà được nhà nước hỗ trợ xây hơn 20 năm trước đã xuống cấp, không thể ở được. Cạnh bên là căn chòi gỗ của anh Amlot (con trai bà H’Gue) được chắp vá bằng đủ thứ để che chắn các lỗ thủng mỗi khi mưa gió. Căn chòi tồi tàn đó từng là nơi nương náu của Amlot cùng con gái và hai đứa cháu ngoại.

Mấy tháng trước, khi địa phương rà soát, Amlot thuộc diện được xóa nhà tạm, nhà dột nát. Thế nhưng, gần đây anh bị đổ bệnh nặng, phải bán mảnh đất duy nhất để chữa trị nhưng vẫn không qua khỏi. Cũng vì thế mà Amlot không còn thuộc diện được hỗ trợ. Từ ngày Amlot mất, bà H’Gue và mấy đứa cháu, chắt phải mắc võng, trải chiếu dưới gầm nhà sàn để ở vì đã hết tiêu chuẩn "xóa đói giảm nghèo"".

Như hoa- Ảnh 1.

Bà H’Gue (người Jrai) bị tàn tật từ nhỏ, không thể đi mà chỉ chống tay lết từng bước một.

Là trưởng công an xã, gốc từ Thanh Hóa vào huyện này từ hồi lớp 9 ở với gia đình người chú ruột để học từ phổ thông tới nghiệp vụ, rồi ra trường, làm công an, lấy vợ là nhân viên y tế cùng huyện, cũng có con cái đang đi học, chưa giàu có gì, nhưng thiếu tá Hải bảo, so với bà con ở đây thì mình cũng vẫn thuộc diện "có điều kiện", thấy những cảnh ấy không yên lòng. Và cứ day dứt thế, bèn về... bàn với vợ.

Và bạn hình dung đi, các bà vợ trong trường hợp này sẽ như thế nào? Ở đây, chị vợ... hân hoan đồng ý. Và thế là đi rút tiết kiệm 60 triệu đồng làm nhà cho bà H’Gue. Chưa hết, xong sáu mươi triệu thì mới phát hiện, rằng là mới có nhà mà chưa có nhà... vệ sinh. Thế là lại về... xin ý kiến vợ, rút thêm hai chục triệu làm cái nhà vệ sinh cho bà cháu sử dụng.

Lại vẫn chưa hết, có cái nhà của chị Ksor Liễu (29 tuổi, thôn Ma Rin 2, xã Ia Mrơn) dột nát. "Chị Liễu thuộc diện khó khăn vì đang nuôi 3 con nhỏ. Con trai thứ hai hay đau ốm. Vợ chồng lại không có đất sản xuất, đi làm thuê chỉ đủ ăn. Tích cóp được ít tiền, chị phải đập vào việc đổ đất, nâng nhà bởi mỗi trận mưa lớn cả vùng trũng này sẽ ngập hết. Gia đình vợ chồng trẻ chen chúc nhau trong căn nhà tôn nóng bức. Bởi vậy, để vợ chồng trẻ vượt qua vũng lầy, thiếu tá Hải quyết định hỗ trợ tiền, cộng với 10 triệu đồng xã đứng ra vận động để bổ sung kinh phí xây nhà mới cho hộ này thay vì sửa chữa". Số tiền thiếu tá Hải hỗ trợ gia đình này là 20 triệu đồng. Tổng cộng trong "vụ" nhà này, thiếu tá Hải đã "dinh" từ tài sản nhà mình 100 triệu đồng để lo việc thiên hạ.

Như hoa- Ảnh 2.

Để vợ chồng trẻ vượt qua vũng lầy, thiếu tá Hải quyết định hỗ trợ tiền.

Có thể ở đâu đó, ai đó, 100 triệu đồng không là gì, nhưng với vợ chồng như gia đình thiếu tá Hải, ở dưới xã vùng xa, vùng khó, sống bằng lương, thì nó không nhỏ, nhưng nghe kể lại, tất cả mọi chuyện đều được vợ chồng anh "thông qua" gọn ơ. Các cụ xưa nói "thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn" là chủ yếu nói họ chung tay lo việc nhà, còn ở đây, sự "đồng thuận tuyệt đối" là để lo việc thiên hạ. Tôi cũng là người hay lo việc bao đồng, nhưng khi biết chuyện này thấy không thể không viết lại, bởi những việc tốt rất cần được lan tỏa, được nhân lên, ít nhất để nhiều người biết, chưa cần làm theo, mà chỉ biết, rằng xã hội vẫn còn những người rất tốt, những tấm lòng rất rộng mở, nhân hậu, đủ để chúng ta ấm lòng.

Mà cái đất Ia Pa này lạ, tôi cũng từng viết trên mục này cái ông "thầy giáo bánh mì" ở chính huyện này. Rằng ông này cũng bỏ tiền túi mua bánh mì cho học trò của mình ăn khi vào lớp. Các cháu toàn nhịn đói đi học, mà đi xa. Bánh mì vừa trực tiếp giúp các cháu đỡ "thổn thức" khi ngồi học, vừa như là cách "dụ" các cháu đi học. Từ những ổ bánh mì ban đầu, nhiều người biết, nó được nhân lên, giờ ngoài bánh mì thường xuyên như một "tiêu chuẩn" bất di bất dịch của các cháu ở trường, thầy còn có quỹ để tặng bò cho phụ huynh, những nhà thầy biết họ nghèo tới... rất nghèo. Chỉ nguyên việc khi chúng ta đang ngủ say, ông thầy này đã dậy tới lò bánh mì quen, nhận bánh mì rồi chở 40 cây số tới để học trò ăn kịp vào lớp đã rất đáng nể rồi. Ngày nào cũng thế, đều như vắt tranh. Nếu thiếu tá Hải quê ở Thanh Hóa thì thầy Vũ Văn Tùng này quê ở Nghệ An, tức cũng toàn người tứ xứ về đây, và coi đây là quê của mình, gắn bó với nó hơn cả máu thịt. Lòng tốt, sự thiện lương, trách nhiệm... vân vân, nhưng trên hết, tôi nghĩ tới những yếu tố nhân ái tiềm ẩn trong mỗi con người, khi được kích hoạt, nó sẽ bùng lên.

Và, nếu để ý, hàng ngày, ta sẽ chứng kiến rất nhiều những việc tốt, người tốt như thế. Ngay trên mục này, chúng tôi cũng nhiều lần đề cập. Có những việc khi được kể lên, nó khiến ta rưng rưng tới chảy nước mắt.

Và lại vẫn, nhớ tới mấy câu thơ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ được nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc: Cuộc đời mà lại xấu xa/ thì sao cây táo nở hoa"...

Dẫu biết, hoa tới thì thì phải nở, nhưng ta vẫn ấm lòng khi lòng tốt cũng nở như hoa...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Bạn đang đọc bài viết "Như hoa" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).