Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 6/5, Phó Thủ tướng Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo tờ trình, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 5 về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng quy định cụ thể nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa.
Trong đó bao gồm tất cả các loại sản phẩm, hàng hóa như nông sản, thực phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị...

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ tình (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo Phó Thủ tướng, những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm).
Khả năng gây mất an toàn có thể xẩy ra đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được xác định dựa trên một hoặc những yếu tố sau: bản chất hóa học, vật lý, sinh học; kết cấu, nguyên lý hoạt động; quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng.
Tại Nghị quyết số 203 ngày 1/12/2023 về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2023, Chính phủ yêu cầu "rà soát nội dung về tiêu chí xác định sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro cao và sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro trung bình, thấp".
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, dự thảo Luật bổ sung quy định về các yếu tố để xác định khả năng gây mất an toàn có thể xảy ra đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 như báo cáo nêu trên là phù hợp.
Căn cứ các yếu tố này, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ xác định sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro cao (ví dụ như vật liệu nổ, thuốc thú y, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng...), sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro trung bình, thấp (ví dụ như mũ bảo hiểm, thiết bị điện - điện tử gia dụng, vật liệu xây dựng...), phù hợp với đặc tính của từng sản phẩm, hàng hóa, yêu cầu, khả năng quản lý Nhà nước trong từng thời kỳ của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Hiện nay, theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, việc công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định.
Do đó, để thống nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng căn cứ vào tính chất rủi ro của hàng hóa để áp dụng biện pháp quản lý tiền kiểm đối với hàng hóa có tính chất rủi ro cao, biện pháp quản lý hậu kiểm đối với các hàng hóa nhóm 2 khác, các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: Media Quốc hội).
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, ngoài các hoạt động kiểm tra, thanh tra thì hoạt động khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa cần được nghiên cứu và quy định phù hợp với định hướng tăng cường hậu kiểm, quản lý theo rủi ro.
Khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa là một công cụ kỹ thuật quan trọng, được thực hiện độc lập hoặc lồng ghép trong quá trình quản lý nhằm thu thập, phân tích thông tin thực tế về tình trạng chất lượng sản phẩm hàng hóa trên thị trường, phục vụ cảnh báo nguy cơ rủi ro, phát hiện bất thường và là dữ liệu đầu vào cho hoạt động kiểm tra có trọng điểm, hậu kiểm, đánh giá hiệu lực chính sách quản lý.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung quy định về khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa trong dự thảo Luật trên cơ sở đánh giá cụ thể hoạt động này trong thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Trọng tâm là khảo sát những hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, tránh tràn lan, dàn trải, không phát sinh thủ tục hành chính, gia tăng chi phí tuân thủ; làm rõ nguồn kinh phí cho hoạt động này, đặc biệt là kinh phí cho việc lấy mẫu khảo sát (bảo đảm đủ tính đại diện, đủ thông tin để phân tích rủi ro, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước) trong điều kiện ngân sách hạn chế như hiện nay.
Có ý kiến cho rằng, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa có quy định về biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng.
Tuy nhiên, chưa có quy định về biện pháp quản lý chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa là tang vật bị xử phạt vi phạm hành chính và bị tịch thu (không có hồ sơ kỹ thuật, chứng từ của nhà sản xuất đi kèm) được xác lập quyền sở hữu toàn dân (trường hợp bán hàng hóa này lưu thông trên thị trường hoặc người mua hàng hóa này sau đó đưa vào sử dụng).
Do vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý.
Về xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hoá, đa số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong thời gian qua có nhiều sản phẩm hàng hóa được lưu thông trên thị trường nhưng kém chất lượng như vụ việc sữa, bánh kẹo giả thương hiệu Kera là do công tác hậu kiểm còn yếu, chế tài áp dụng chưa đủ mạnh, chưa tạo sức răn đe.
Do đó, dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung quy định (Điều 66 Luật hiện hành) về xử lý vi phạm như tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, phương tiện thông tin đại chúng danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa để cảnh báo xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu ý kiến nêu trên.