
Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội, do Quốc hội quyết định thành lập, giải thể
Nghị quyết nêu rõ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội, do Quốc hội quyết định thành lập, giải thể.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nhiệm kỳ của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội
Theo Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Hội đồng Dân tộc.
Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Ủy ban.
Thường trực Hội đồng Dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban.
Vụ chuyên môn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là tổ chức hành chính, có chức năng nghiên cứu, tham mưu, giúp việc, tổ chức phục vụ các hoạt động của Hội đồng, Ủy ban, Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban.
Nguyên tắc làm việc
Nghị quyết nêu rõ, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể kết hợp với đề cao trách nhiệm của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban và vai trò điều hành của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban.
Quyết định của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Việc biểu quyết của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thể bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác theo quy định của Hội đồng, Ủy ban.
Hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật, công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công phụ trách; bảo đảm sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; tăng cường và phát huy trách nhiệm của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực.
Phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội
Theo Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, báo cáo, dự án, đề án khác trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét, quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Ủy ban.
Phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban tham dự.
Thành viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự phiên họp của Hội đồng, Ủy ban theo triệu tập của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề xem xét tại phiên họp; trường hợp không tham dự phiên họp thì phải có lý do chính đáng, phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban.
Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội có quyền tham dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên họp của Hội đồng, Ủy ban.
Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thể mời đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban mình, đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan và chuyên gia tham gia hoạt động của Hội đồng, Ủy ban. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện cho người được mời tham gia hoạt động của Hội đồng, Ủy ban.
Khi Hội đồng Dân tộc họp bàn về chính sách dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc có thể mời đại diện của các dân tộc chưa có người đại diện trong Quốc hội nhiệm kỳ đó là đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 02 năm 2025.
Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết thúc hoạt động kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 ngày 17 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện và Nghị quyết số 21/2022/UBTVQH15 ngày 11 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành./.