Cầu treo đổ sập khiến giao thương bị chia cắt
Công trình cầu treo Kẻ Nính được đầu tư xây dựng thay thế bến đò Kẻ Nính, bắc qua sông Hiếu, nối liền bản Hạnh Tiến với Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh
12/04/2025 16:18
Cầu treo đổ sập khiến giao thương bị chia cắt
Công trình cầu treo Kẻ Nính được đầu tư xây dựng thay thế bến đò Kẻ Nính, bắc qua sông Hiếu, nối liền bản Hạnh Tiến với Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh
Từ trước khi cầu treo Kẻ Nính bị đổ sập thì chính quyền đã cắm biển cấm người dân qua lại. Ảnh H.Quang.
Mặc dù vậy, vào ngày 6/3/2024, cầu treo Kẻ Nính bất ngờ bị đổ sập. Nguyên nhân được xác định do đất nền đường đầu cầu phạm vi dưới thanh neo bị sụt lún làm thanh neo phía hạ lưu mố neo M2 bị chuyển vị, gãy sập, làm dây cáp chủ kéo đỉnh trụ tháp phía hạ lưu mố M2 chuyển vị theo phương ngang, gây mất ổn định trụ tháp, làm sập toàn bộ nhịp treo của cầu.
Sau sự cố xảy ra, UBND huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp lập rào chắn và lắp các biển báo nghiêm cấm người dân qua lại khu vực này. Đặc biệt là 2 bên đầu cầu dù chưa bị đổ nhưng cũng không đảm bảo an toàn do cây cầu này đã bị xuống cấp từ trước, nguy cơ tiếp tục đổ hiện hữu.
Tuy nhiên, cầu treo Kẻ Nính là một trong những công trình trọng điểm, nối liền 2 bên bờ sông Hiếu nhằm tạo điều kiện giao thông thông suốt, nhất là trong mùa mưa lũ cho người dân trong khu vực. Kể từ khi cầu Kẻ Nính bị sạt lở, hư hỏng, chính quyền cấm lưu thông qua cầu, việc đi lại, vận chuyển, giao thương của bà con trong bản gặp rất nhiều khó khăn.
Việc cầu treo sập đã khiến giao thông bị chia cắt, cản trở người dân sang bờ bên kia để canh tác. Ảnh H.Quang.
Được biết, riêng bản Đình Tiến có 219 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu, trong đó có nhiều hộ có ruộng sản xuất ở bên kia cầu với diện tích hàng chục ha.
Anh Mạc Văn Hiếu, trú bản Đình Tiến, xã Châu Hạnh, cho biết, để đi lên trung tâm huyện, người dân vẫn có thể đi theo đường cầu Hoa Hải. Tuy nhiên, điều lo ngại là phần lớn người dân bản Đình Tiến có ruộng ở phía bên kia cầu, nếu đi đường cầu Hoa Hải thì phải đi vòng, xa hơn nhiều.
"Hằng ngày, người dân muốn đi qua phía bên kia cầu để canh tác, sản xuất nông nghiệp thì đi vòng xa hơn gần 5km. Mỗi lần như vậy, rất là vất vả do phải vận chuyển nông sản về bản", anh Hiếu nói.
Ông Sầm Anh Dũng, Chủ tịch xã Châu Hạnh, cho biết, từ khi sập cầu treo thì việc đi lại cả bà con gặp nhiều khó khăn. Nhân dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị xây cầu mới nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.
Tập trung hoàn thiện dự án để tránh lãng phí
Năm 2025, ngân sách Trung ương đã bổ sung cân đối cho ngân sách tỉnh Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây theo Nghị quyết số 137 của Quốc hội và được HĐND tỉnh phê chuẩn tại Nghị quyết số 126 là 917,3 tỷ đồng.
Trên cơ sở các nguyên tắc lập danh mục dự án, nguồn vốn được Trung ương giao năm 2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng danh mục dự án phù hợp với quy hoạch, định hướng của tỉnh và các địa phương, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nhằm đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Hiện, đã có dự án cầu thay thế với tổng mức đầu tư lên đến 80 tỷ đồng. Ảnh H.Quang.
Danh mục gồm 19 dự án khởi công mới với tổng mức đầu tư 2.108,363 tỷ đồng trên 4 lĩnh vực: hạ tầng giao thông; y tế; giáo dục và đào tạo; quốc phòng.
Ngoài 917,3 tỷ đồng được bổ sung cân đối trong năm 2025, dự kiến Nghệ An sẽ bổ sung từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 là 1.191,063 tỷ đồng để triển khai các dự án. Trong đó có dự án cầu Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 80 tỷ đồng.
Nghe thông tin này, người dân rất mừng vì sắp có cầu mới để đi. Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chưa được khởi công. Đặc biệt là mùa mưa bão sắp đến, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nếu không có cầu bắc qua sông.
Người dân rất mong chờ cầu mới xây dựng để việc đi lại thuận tiện hơn. Ảnh H.Quang.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2025, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thông qua danh mục 19 dự án, mức vốn bố trí cho các dự án theo đề xuất của Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Trung lưu ý, việc lựa chọn các dự án phải đảm bảo mục tiêu, nhất là mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội khu vực miền Tây, đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí về sử dụng hiệu quả nguồn vốn được bổ sung cân đối theo Nghị quyết 137 của Quốc hội.
Trong lựa chọn dự án, cần tập trung rà soát đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thực hiện dự án, tập trung chỉ đạo quyết liệt hoàn thiện thủ tục dự án để đáp ứng yêu cầu về phân bổ hết vốn bổ sung cân đối của năm 2025 là hơn 917 tỷ đồng trước ngày 30/6/2025.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung cũng yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh lựa chọn chủ đầu tư phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực hiện và triển khai dự án hiệu quả, nhất là trong thời gian tới khi thực hiện chủ trương bỏ cấp huyện.
Kết hợp chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, tiếp tục rà soát, xây dựng phương án phân bổ vốn bổ sung cân đối còn lại đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, có nguyên tắc, tiêu chí, đáp ứng các quy định, đảm bảo yếu tố tiếp cận công bằng, có lựa chọn ưu tiên, tập trung vào các địa bàn bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện và dự án khoáng sản. Số vốn còn lại cần bố trí tập trung hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn, đáp ứng yêu cầu, tạo động lực phát triển.