Không gian công cộng vốn không của riêng ai, nhưng đồng thời lại thuộc về tất cả. Những nơi không chỉ lưu giữ lịch sử và ký ức của cư dân mà còn phản ánh cá tính của họ; thường không được chú ý hay dễ bị lãng quên, nhưng lại có tiềm năng để trở thành không gian của sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của công nghệ.
Trải nghiệm nghệ thuật qua ứng dụng công nghệ
Manzi Art Space và Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) đang kêu gọi các nghệ sĩ Việt Nam nộp đề xuất tác phẩm tham dự phiên bản 3 của dự án Into Thin Air - mang nghệ thuật ra khỏi lãnh địa quen thuộc như bảo tàng, gallery, nhà hát... đến với không gian công cộng. Chị Vũ Ngọc Trâm, người sáng lập Manzi Art Space chia sẻ: “Với mục đích quảng bá nghệ thuật đương đại và xây dựng thêm khán giả cho nghệ thuật, từ năm 2015, chúng tôi thấy không nên giới hạn các hoạt động trong không gian của mình, mà mang nghệ thuật đến công chúng, và mong muốn đưa nghệ thuật ra không gian công cộng. Bởi vậy, năm 2016, Into Thin Air 1 đã ra đời”.
10 tác phẩm/dự án sắp đặt tương tác, video art, sắp đặt âm thanh... tại 10 không gian công cộng trong thành phố cùng một ứng dụng cho điện thoại thông minh được dùng như bản đồ “truy lùng kho báu”, cho phép công chúng săn lùng và truy tìm các tác phẩm. Có tác phẩm sắp đặt cố định, có tác phẩm được đưa đi di động khắp nơi trong thành phố để tương tác với khán giả, và chỉ trong 10 ngày, các tác phẩm đã thu hút hơn 20.000 lượt người xem.
2 năm sau, Into Thin Air 2 ra mắt với sự tham gia của 14 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Tiếp nối ý tưởng của dự án từ phiên bản đầu tiên - nghệ sĩ tạo tác phẩm cho không gian công cộng mà họ đã lựa chọn. Tuy nhiên, phiên bản hai đưa ra hình thức trải nghiệm khác hẳn. Into Thin Air 2 gồm 10 tác phẩm đa dạng từ sắp đặt, trình diễn, âm thanh tới video art tại 10 không gian công cộng khác nhau của Hà Nội, nhưng các tác phẩm không hiện hữu một cách vật lý tại địa điểm đó. Khán giả xem, trải nghiệm tác phẩm thông qua một ứng dụng miễn phí sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) trên điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Chị Vũ Ngọc Trâm cho biết: Các tác phẩm nghệ thuật ảo được giới thiệu trong không gian thật với mong muốn thúc đẩy sáng tạo của nghệ sĩ, và tồn tại lâu dài, không bị di dời; phá mờ ranh giới giữa người xem, thu hút khán giả mới, khán giả trẻ. Bởi vậy, khác với các tác phẩm thuộc phiên bản 1, đến nay tác phẩm phiên bản 2 vẫn tồn tại và tiếp tục hiện hữu lâu dài tại các địa điểm khác nhau trong thành phố, hoàn toàn mở và dễ dàng cho công chúng tiếp cận. Đến nay đã có hơn 25.000 lượt tải phần mềm Into Thin Air 2 để trải nghiệm nghệ thuật.
Khơi dậy cảm hứng
Tham gia Into Thin Air 2, nhiều nghệ sĩ ban đầu chưa nghĩ sẽ đưa tác phẩm ra không gian công cộng, hoặc có tác phẩm nhưng chưa có điều kiện giới thiệu chúng, đã có thể tiếp cận một không gian nghệ thuật mới. Nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải, người cùng nghệ sĩ Huy Trần và Trí Minh làm tác phẩm múa đương đại “Những ngày này” chia sẻ, anh luôn muốn biểu diễn ở các không gian công cộng tại Hà Nội để đưa tới những trải nghiệm cho người dân. Nhưng dự án này mang tới những điều kiện mới để anh giới thiệu tác phẩm của mình. “Những ngày này” được giới thiệu tại đền Bà Kiệu cổ kính, nơi đã chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc trong 500 năm qua. Dù ở ngay trung tâm Hà Nội và được bảo tồn khá cẩn thận, người dân hiếm khi để ý tới sự tồn tại của di tích lịch sử này, ít người biết rằng ngôi đền đã bị “cắt đôi” khi người Pháp xây đường quanh hồ Hoàn Kiếm (đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay). Trong tác phẩm, nghệ sĩ tự hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại, ranh giới giữa nhớ và quên. Khán giả sẽ xem tác phẩm ở phía bên kia đường - cổng đền cũ, đối diện đền Bà Kiệu thông qua ứng dụng sử dụng công nghệ tăng cường thực tế ảo. Tác phẩm cũng có thể được xem ở hai chế độ ngày và đêm nhờ định vị thời gian của GPS.
Khán giả còn có thể tìm thấy tác phẩm nghệ thuật tại một số quảng trường, công viên, khu chợ, khu tập thể... của Hà Nội. Anh Trần Xuân An, đảm nhiệm mảng công nghệ của dự án cho biết: “Khi chúng tôi thử tác phẩm “Từ dưới nhìn lên” của nghệ sĩ Phi Phi Oanh tại giếng trời chợ Hôm, đứng trước các cửa hàng một lúc là các anh chị bán hàng đã thắc mắc và muốn... đuổi đi, nhưng khi biết về tác phẩm nghệ thuật ảo, họ vô cùng háo hức và trách tại sao không nói cho họ biết sớm hơn... Dù hợp tác với các nghệ sĩ cũng có nhiều thách thức khi họ có ý tưởng bay bổng, trong khi làm phần mềm lại thực tế, nhưng qua dự án có thể thấy ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật khá có triển vọng”.
Tiếp nối dự án nghệ thuật công cộng dài hạn này, Into Thin Air đang được lên kế hoạch, với kỳ vọng xây dựng thêm 5 tác phẩm ảo tại các địa điểm công cộng của Hà Nội. Các tác phẩm sẽ tiếp tục được thực hiện trên nền tảng thực tế ảo và trải nghiệm qua ứng dụng. Với chủ đề “Sáng tạo nghệ thuật khơi dậy cảm hứng cho cộng đồng; thúc đẩy nghệ sĩ tham gia, khám phá các bối cảnh và không gian lịch sử/chính trị/văn hóa của địa phương”, EUNIC và Manzi mời các nghệ sĩ Việt Nam đang thực hành trong các lĩnh vực âm nhạc, âm thanh, hình ảnh động và múa đương đại/trình diễn quan tâm đặc biệt tới nghệ thuật cho không gian công cộng hoặc nghệ thuật cộng đồng, nộp đề xuất ý tưởng, ưu tiên các đề xuất có tiềm năng hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế....
“Dự án đưa nghệ thuật ra không gian công cộng, tạo ra các không gian nghệ thuật mới, sẽ làm giàu hơn những giá trị văn hóa của Hà Nội; khiến nghệ thuật trở nên dễ tiếp cận và nhìn thấy hơn với người dân. Đồng thời, tạo thêm sản phẩm văn hóa cho người dân và khách du lịch” - Viện trưởng Viện Goethe Wilfried Eckstein, Chủ tịch EUNIC khẳng định.
Theo ĐBND