Ngành giáo dục không đứng ngoài xu thế chuyển đổi số

20/11/2024 20:30

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ mong muốn chuyển đổi số trong ngành giáo dục sẽ mang lại cơ hội tiếp cận bình đẳng ngày càng đầy đủ hơn với mọi người dân.

Nhân dịp 20/11, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin (NĐT) xoay quanh nội dung chuyển đổi số và những kỳ vọng trong chuyển đổi số của ngành giáo dục.

Chuyển đổi số trong giáo dục diễn ra rất mạnh mẽ

NĐT: Thưa ông, những năm qua dưới sự phát triển của công nghệ 4.0, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã giúp chúng ta thay đổi nhận thức trong việc chuyển đổi số, bắt nhịp với xu thế toàn cầu. Nhất là các trường học đã chuyển mình dạy học trực tuyến, ứng dụng các phần mềm trong giảng dạy. Ông đánh giá như thế nào về việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục thời gian qua?

Ông Đinh Công Sỹ: Thời gian qua, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đã được triển khai đến các cơ sở giáo dục trong cả nước. Chuyển đổi số giúp cải tiến phương pháp giảng dạy, hỗ trợ học tập, nâng cao trải nghiệm của học sinh, sinh viên và nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, công tác quản lý giáo dục.

Các cơ sở giáo dục kể cả vùng miền núi, hải đảo…việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động giảng dạy và học tập được triển khai tích cực, từ đơn giản như sử dụng thiết bị, khai thác học liệu số đến sử dụng các ứng dụng mới trong dạy và học trực tuyến, khai thác tài nguyên, chia sẻ dữ liệu; số hóa dữ liệu nhà giáo, học sinh, trẻ mầm non, ứng dụng số trong quản lý thi, đánh giá người học, trong đó có học bạ số được triển khai thí điểm ở cấp tiểu học đạt trên 43%, có nhiều địa phương đạt 100%.

Ngành giáo dục không đứng ngoài xu thế chuyển đổi số- Ảnh 1.

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý giáo dục cũng được số hóa và vận hành chủ yếu dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tỉ lệ đạt gần 90%. Kết quả trên cho thấy, chuyển đổi số trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số đã có hiệu quả và tác động rất lớn đến thói quen, quy trình và phương pháp quản trị của cơ sở giáo dục.

Chuyển đổi số đã thu hẹp khoảng cách địa lý, tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học và người học với nhau. Sau dịch bệnh Covid-19, xu thế này càng được thể hiện rõ hơn.

Tôi cho rằng thời gian qua, sự bùng nổ của công nghệ đã giúp quá trình chuyển đổi số trong giáo dục ở nước ta diễn ra rất mạnh mẽ, chúng ta tiếp nhận thêm nhiều phương thức giảng dạy mới, gia tăng nguồn học liệu cho người học, cơ hội tương tác được mở rộng; công tác quản lý của ngành giáo dục thuận lợi, nhanh chóng, chính xác và minh bạch hơn. Những điều đó rất hữu ích cho công tác hoạch định, thực hiện chính sách vĩ mô và ở cấp địa phương.

NĐT: Qua thực tiễn giám sát, khảo sát tại các địa phương, các cơ sở giáo dục, ông nhận thấy chuyển đổi số trong ngành giáo dục hiện nay đã có những thuận lợi gì?

Ông Đinh Công Sỹ: Chuyển đổi số trong ngành giáo dục hiện nay có nhiều điểm thuận lợi như: Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã xác định hướng đến chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống xã hội và trong lĩnh vực giáo dục là tất yếu.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thêm vào đó, chúng ta đang dần xây dựng các khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, từ luật, nghị quyết của Quốc hội cũng đã có các quy định; các nghị định, nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch…của Chính phủ, các bộ liên quan đến chỉ đạo, hướng dẫn về chuyển đổi số được ban hành liên tục. Điều này, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để ngành giáo dục nói chung, các địa phương, các cơ sở giáo dục có thể triển khai nhiệm vụ thuận lợi.

Ngành giáo dục không đứng ngoài xu thế chuyển đổi số- Ảnh 2.

Chuyển đổi số trong giáo dục diễn ra rất mạnh mẽ.

Với những đề án, kế hoạch được ban hành thì kèm theo đó là nguồn lực tài chính, trong bối cảnh đất nước còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, đây là lĩnh vực được Chính phủ dành ngân sách và tạo cơ chế để thu hút nguồn lực khác để phục vụ chuyển đổi số.

Cùng với đó, nhận thức, ý thức tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số ở phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và người học là ủng hộ. Tôi cho rằng, đây là những yếu tố thuận lợi hết sức quan trọng để việc hiện thực hóa các nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nước ta phát triển mạnh mẽ, sóng viễn thông đã bao phủ hầu hết các vùng, là cơ sở quan trọng phục vụ yêu cầu chuyển đổi số; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ trên thế giới giúp ngành giáo dục tiếp cận, ứng dụng, phát triển những thành quả đó một cách nhanh hơn.

NĐT: Bên cạnh những thuận lợi như đã nêu, vậy theo ông chuyển đổi số trong ngành giáo dục còn gặp phải những thách thức gì?

Ông Đinh Công Sỹ: Qua thực tiễn giám sát, khảo sát tại các địa phương, các cơ sở giáo dục, tôi nhận thấy những chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã bước đầu lan tỏa, tác động khá tích cực đến ngành giáo dục các địa phương, rõ nhất đến các trường học, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo và học sinh, sinh viên.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục để tiến gần hơn tới nền giáo dục thông minh

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong giáo dục cũng đặt ra những khó khăn, thách thức nhất định như nhận thức về vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các chủ thể liên quan trong ngành giáo dục còn chưa đồng đều, một bộ phận cán bộ, viên chức và đội ngũ giáo viên chưa thực sự sẵn sàng thích ứng với chuyển đổi số vốn đã quen với hình thức giảng dạy và quản lý truyền thống; công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số chưa đến toàn thể cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, người học.

Sự quan tâm của mỗi địa phương có sự khác nhau nên đầu tư vào hạ tầng thiết bị cho chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng còn chưa đồng đều, thiếu đồng bộ.

Tài nguyên số dùng chung chưa hoàn thiện đầy đủ, chất lượng tài nguyên số không phong phú, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Đào tạo nhân lực chất lượng cao

NĐT: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Vậy, ông có kỳ vọng như thế nào về chuyển đổi số trong ngành giáo dục thời gian tới?

Ông Đinh Công Sỹ: Như tôi đã đề cập xu thế tất yếu của chuyển đổi số, ngành giáo dục không đứng ngoài xu thế đó.

Xác định lĩnh vực ưu tiên đối với giáo dục đào tạo là chủ trương đúng đắn. Bởi hướng tới xây dựng xã hội số phải bắt đầu từ xây dựng nguồn nhân lực, đó chính là con người, là đội ngũ nhân lực chất lượng cao có thể nắm bắt, thực hành và sáng tạo công nghệ để phục vụ phát triển các lĩnh vực, ngành khác. Việc triển khai chuyển đổi số trong chương trình đối với ngành giáo dục càng sớm ngày nào sẽ giúp mở đường cho việc chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực khác.

Ngành giáo dục không đứng ngoài xu thế chuyển đổi số- Ảnh 3.

Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số.

Thời gian tới, tôi mong muốn chuyển đổi số trong ngành giáo dục sẽ mang lại cơ hội tiếp cận bình đẳng ngày càng đầy đủ hơn với mọi người dân, nhất là trẻ em ở miền núi, hải đảo, vùng đi lại khó khăn.

Cùng với đó, giúp triển khai hiệu quả hơn chương trình giáo dục ở các cấp học, bậc học, trình độ đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng phát triển thực chất năng lực, phẩm chất người học.

Chuyển đổi số trong giáo dục, trong đó cơ sở dữ liệu ngành cần gắn kết chặt chẽ với cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực khác và cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ cho quản lý chung và xây dựng chính sách.

Ngoài ra, ngành giáo dục còn phối hợp với các ngành khác "gánh" nhiệm vụ lớn lao nữa là đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số ở cấp độ quốc gia.

Vì vậy, tôi mong muốn ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ này theo đúng tiến độ đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Để thực hiện được điều đó, ngành giáo dục cần sự quan tâm của Chính phủ, chính quyền địa phương bố trí về nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng trang thiết bị phục vụ dạy và học, phục vụ công tác quản lý ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết "Ngành giáo dục không đứng ngoài xu thế chuyển đổi số" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).