Ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm lây lan

27/06/2024 12:03

Nhiều địa phương trên cả nước đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch gia cầm cũng như các loại dịch bệnh khác trên động vật lây lan diện rộng.

Chú thích ảnh Hộ gia đình tự phun thuốc tiêu độc khử trùng. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Khánh Hòa là một trong những địa phương đang cố gắng kiểm soát và ngăn chặn sự lan truyền của dịch tả lợn châu Phi.

Đến nay, nhiều biện pháp cứng rắn để kiểm soát dịch bệnh đã được triển khai tại các điểm nóng như xã Phước Đồng (thành phố Nha Trang) và xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm). Đặc biệt là không có thêm trường hợp lợn mắc bệnh mới trong vài ngày qua giúp giảm bớt lo lắng cho người chăn nuôi và cộng đồng địa phương.

Ông Hồ Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm cho biết, trong quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ vi phạm liên quan đến giết mổ lợn chết trái quy định. Đặc biệt, ngày 08/6/2024 và 11/6/2024, tại xã Cam Thành Bắc đã xảy ra hai vụ giết mổ lợn chết trái phép, các cơ quan chức năng phải tiến hành điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng liên quan.

UBND xã Cam Thành Bắc đã xác định đây là các vụ vi phạm nghiêm trọng, không chỉ gây ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ lan rộng dịch bệnh. Cụ thể, theo báo cáo của UBND xã Cam Thành Bắc, ngày 8/6/2024, một vụ giết mổ lợn chết trái quy định đã được phát hiện tại khu vực nhà ông Đặng Dấu, thôn Tân Phú, với 50 con lợn chết, khối lượng 3,5 tấn. Cơ quan thú y đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và lợn chết đã được xử lý, tiêu hủy nhanh chóng theo các biện pháp nghiêm ngặt về phòng, chống dịch. Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu lấy dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tiếp tục, ngày 11/6/2024, UBND xã Cam Thành Bắc phát hiện thêm một vụ giết mổ lợn chết trái phép tại nhà bà Lê Thị Thanh Trúc với 100 con lợn chết; trong đó có 60 con đã mổ xẻ thịt. Hiện UBND xã Cam Thành Nam đã tạm thu giữ tang vật là 2 chiếc xe tải dùng để vận chuyển lợn, đồng thời có văn bản đề nghị UBND huyện có biện pháp xử lý trường hợp này theo quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Vạn Ninh, phụ trách huyện Cam Lâm chia sẻ, đến tháng 5/2024, toàn huyện Cam Lâm có 55 trang trại với tổng đàn lợn lên tới 87 nghìn con. Khi nhận được thông tin về vụ giết mổ lậu lợn chết trên địa bàn xã Cam Thành Bắc, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với UBND xã kiểm tra ngay lập tức. Sáng hôm đó, đơn vị đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và phần còn lại đã được xử lý, tiêu hủy nhanh chóng theo các biện pháp nghiêm ngặt về phòng, chống dịch. Ngày hôm sau, kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu lấy dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Hiện tại, tình hình chăn nuôi tại địa phương vẫn ổn định, phát triển tốt. Ngành vẫn khuyến cáo bà con thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng và tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt chú ý trong thời gian chưa qua 21 ngày so với mẫu dương tính.

Tại xã Cam Thành Bắc, sau vụ việc nói trên, người dân đã tích cực trong việc tiêu độc khử trùng, không buôn bán thịt lợn chết. Ông Trần Thanh Nam, ngụ tại thôn Lam Sơn, xã Cam Thành Bắc chia sẻ, gia đình ông làm nghề chăn nuôi đã nhiều năm nhưng vừa qua là lần đầu chứng kiến lợn chết nhiều như vậy. Riêng gia đình nuôi lợn rừng lai, bò thịt, gà nên rất chú trọng phòng dịch, quyết không để dịch bệnh xảy ra.

Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã cấp 100 lít hóa chất cho UBND huyện Cam Lâm để thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các ổ dịch.

Theo số liệu từ Cục Thống kê, đến cuối tháng 5/2024, toàn tỉnh Khánh Hòa có tổng đàn lợn trên 289 nghìn con và tổng đàn gia cầm hơn 3 triệu con. Toàn tỉnh hiện có 313 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 54 trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Tại tỉnh Đắk Lắk, tính từ ngày 1/1/2024 - 20/6/2024, dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 17 hộ của 7 huyện, làm chết và tiêu hủy 189 con lợn, tổng khối lượng 6.335 kg. Bệnh dại trên chó đã phát hiện tại 6 huyện, số con chó bị chết và tiêu hủy do mắc bệnh, nghi mắc bệnh là 29 con. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 5 trường hợp tử vong nghi do mắc bệnh dại.

Ngành chức năng nhận định, tình hình bệnh dại trên chó, mèo có thể tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người và an sinh cho xã hội. Ngoài ra, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, cúm gia cẩm, bệnh lở mồm long móng đang được kiểm soát tốt song tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành công điện yêu cầu các Sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Theo công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; báo cáo dịch bệnh qua phần mềm VAHIS đầy đủ, kịp thời, chính xác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai kịp thời, hiệu quả kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi; phối hợp với Sở Nội vụ kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp; xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh động vật, các yếu tố nguy cơ, biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong phòng chống dịch bệnh động vật. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, Công an các địa phương phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên tuyến biên giới...

Ước tính số lượng đàn vật nuôi toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 16.500.000 con; trong đó có 28.0000 con trâu, bò; 1.100.000 con lợn; 132.000 con dê; 1.500.0000 con gia cầm…

Tại tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh thống nhất chủ trương thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các xã có mẫu dương tính với vi rút gây bệnh Cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm.

Theo đó, tổ chức tiêm phòng vaccine, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi nhằm phòng, chống dịch bệnh tại xã có đàn gia cầm dương tính với vi rút A/H5N1 và các xã tiếp giáp theo đề xuất của huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Mỏ Cày Nam đúng quy định. Trong số đó, cấp 239.500 liều vaccine phòng bệnh cúm gia cầm cho toàn bộ đàn gia cầm mẫn cảm với vi rút gây bệnh cúm gia cầm H5N1 (gà, vịt, vịt xiêm) chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng hết thời gian miễn dịch tại xã có mẫu dương tính và các xã vùng tiếp giáp từ nguồn dự trữ phòng chống dịch bệnh của tỉnh Bến Tre.

Đồng thời, cấp 1.445 lít hóa chất để tổ chức tổng vệ sinh khử trùng môi trường chăn nuôi tại xã có mẫu dương tính và xã tiếp giáp nêu trên. Thời gian thực hiện hoàn tất việc tiêm phòng, tiêu độc chậm nhất đến ngày 5/7/2024.

UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp hộ nuôi không chấp hành việc phòng bệnh bắt buộc cho đàn vật nuôi để xảy ra dịch bệnh phát sinh và lây lan; yêu cầu các ngành chức năng chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát dịch bệnh để phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định khi có dịch bệnh phát sinh.

Cùng với đó, quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi, việc vận chuyển gia cầm, kiểm soát giết mổ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn quản lý; tổ chức thông tin tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi về tình hình diễn biến dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh theo nguyên tắc vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phục vụ sản xuất, tránh gây hoang mang trong xã hội...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, qua lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút gây bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2024, phát hiện 6 mẫu có sự lưu hành vi rút trên đàn gia cầm được thu gom tại các chợ và hộ chăn nuôi, do đó, mầm bệnh có thể đã phát tán rộng ra ngoài môi trường, nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao. Nhằm kịp thời xử lý, hạn chế mầm bệnh lây lan và phát sinh dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chủ trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch đối với trường hợp mẫu giám sát dương tính với virus gây bệnh cúm A/H5N1.

Toàn tỉnh Bến Tre có tổng đàn gia cầm hơn 4,3 triệu con; trong đó, đàn gà chiếm hơn 3 triệu con với hơn 50.000 hộ nuôi, tỷ lệ tiêm phòng đàn vịt, ngan đạt hơn 77%, tỷ lệ tiêm phòng đàn gà đạt hơn 71%.

Bạn đang đọc bài viết "Ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm lây lan" tại chuyên mục Y tế - Sức khỏe. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).