Ngày 30/12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, Luật Việc làm (sửa đổi) phải đáp ứng được nhu cầu về việc làm trong bối cảnh mới khi công nghệ chi phối rất lớn, xuất hiện nhiều hình thức việc làm mới.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị các đại biểu tập trung vào những nội dung chính: Đánh giá sự phù hợp của nội dung dự thảo luật với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính đúng đắn, khoa học, khả thi của dự thảo luật; đánh giá tác động, hiệu quả về các mặt từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của dự án luật để đảm bảo tính hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân, tổ chức.
Nâng cao trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong thúc đẩy kết nối việc làm
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, dự thảo liên quan chặt chẽ đến quyền lợi của người lao động, cần có thêm các phản biện để đảm bảo tính đúng đắn, khoa học và khả thi của dự thảo này.
Trong đó, cần tập trung làm rõ những việc tổ chức công đoàn cần làm, nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ, hỗ trợ kết nối việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng… cho người lao động và nêu các quy định này trong Luật Việc làm (sửa đổi).
Về quy định đăng ký lao động, đại diện tổ chức Công đoàn Việt Nam đề nghị làm rõ nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong việc cung cấp thông tin lao động - việc làm, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu lao động - việc làm như thế nào để sử dụng thống nhất trên cả nước, đảm bảo kết nối thông tin chính xác…
Về các nhóm chính sách cụ thể, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị các đại biểu góp ý về vấn đề quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung. Trong đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh cần làm rõ việc nâng cao trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ, thúc đẩy kết nối tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; đề xuất kiến nghị sửa đổi những quy định cụ thể.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng LĐLĐVN hy vọng qua buổi phản biện, cơ quan soạn thảo sẽ có thêm các thông tin, cứ liệu để hoàn thiện các quy định trong dự thảo.
Đề xuất bổ sung quy định về đăng ký lao động
Đại diện cho Bộ LĐTB&XH, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy đã báo cáo tóm tắt những điểm mới của dự thảo Luật Việc làm.
Theo ông Tào Bằng Huy, cần thiết sửa đổi luật này để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm, nhất là kịp thời ứng phó và thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động; đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung (Bộ luật Lao động 2019, Luật Cư trú 2020, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật Bảo hiểm xã hội 2024…).
Ông Tào Bằng Huy cho biết, điểm mới mà dự thảo này đề xuất là bổ sung quy định về đăng ký lao động để cơ quan chức năng nắm tình hình việc làm và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp…
Trong đó, để nắm tình hình lao động thì người lao động thuộc cả loại hình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (tức khu vực phi chính thức - chiếm khoảng 60%) và người lao động thất nghiệp (không có việc làm, đang tìm việc làm) đều nên đăng ký thông tin với cơ quan chức năng.
Một số ý kiến cho rằng, yêu cầu người lao động phải đăng ký thông tin sẽ thêm thủ tục, thêm bộ máy, rườm rà, phức tạp.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tào Bằng Huy giải thích, dự thảo đề xuất bổ sung quy định đăng ký lao động là để cơ quan chức năng có thể theo dõi tình trạng việc làm, vì trong bối cảnh hiện nay, thị trường lao động liên tục biến động.
Theo ông Huy, với cơ chế và quy định hiện nay, các số liệu và thông tin về lao động - việc làm không được phản ánh kịp thời, chính xác.
Do đó, dự thảo đề xuất theo hướng, với lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin cho người lao động cùng lúc khi nộp hồ sơ đăng ký bảo hiểm xã hội.
Để tránh phát sinh thủ tục thì với lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người thất nghiệp, đề nghị áp dụng cơ chế tự nguyện đăng ký, điều chỉnh thông tin qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, ứng dụng định danh quốc gia…
"Trong trường hợp người lao động không tự nguyện thì có thể thông qua việc thực hiện các chính sách để cơ quan chức năng cập nhập thông tin, ví dụ thông qua chương trình vay vốn tạo việc làm thì cập nhật thông tin luôn", ông Tào Bằng Huy cho hay.
Thu Cúc