Xây dựng thương hiệu công nghiệp TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Cải tiến công nghệ duy trì đà tăng trưởng

03/01/2025 09:30

Năm 2024, GRDP của TP Hồ Chí Minh tăng 7,17% so với năm trước, nhưng đà tăng trưởng vẫn chưa quay lại được với xu hướng tăng trưởng của giai đoạn trước đại dịch COVID-19 (năm 2014 - 2019).

Chú thích ảnh Trong ảnh: Phân xưởng sản xuất trong Công ty CP Kềm Nghĩa, khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Điều này phần nào phản ánh là kinh tế thành phố đang phải đối mặt với một thử thách kép là phục hồi sau đại dịch COVID-19 song song với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao và xanh hóa. Đồng thời, thành phố cần phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và khai thác tiềm năng của mô hình tăng trưởng mới để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhất là ở những lĩnh vực trọng yếu như sản xuất công nghiệp. Trong bối cảnh đó, TP Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng thương hiệu cho ngành công nghiệp thành phố; trong đó, tập trung đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm công nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

TP Hồ Chí Minh không ngừng đẩy mạnh khoa học công nghệ vào phát triển công nghiệp và tiếp tục xác định bốn ngành công nghiệp trọng yếu là động lực tăng trưởng. Điều này phần nào được thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 của thành phố tăng 7,3% so với cùng kỳ. Đồng thời, ngành công nghiệp thành phố cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà hồi phục trong năm 2025, đặc biệt là các ngành trọng điểm.

Các chỉ số tăng trưởng khiêm tốn

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, chỉ số IIP của bốn ngành công nghiệp trọng điểm năm 2024 tăng 7,6% so với năm trước và cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp; trong đó, điểm sáng của nhóm ngành này thuộc về ngành hóa dược - cao su - nhựa có chỉ số IIP tăng 19,5% so với năm trước, cũng là ngành có mức tăng trưởng cao nhất với các chỉ số IIP tăng liên tục.

Tiếp theo, ngành sản xuất hàng điện tử với chỉ số IIP tăng 2,1% so với năm trước và mức tăng của ngành này khiêm tốn là do phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng bởi tác động của suy thoái kinh tế, xung đột giữa Nga - Ukraine khiến giá nhiên, nguyên liệu tăng, chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện bị gián đoạn, ảnh hưởng tới ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; trong đó, có ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử.

Tương tự, chỉ số IIP của ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống cũng có mức tăng khiêm tốn là tăng 1,5% so với cùng kỳ và là ngành có sự tăng trưởng ở mức thấp hơn mức tăng trưởng chung của 4 ngành công nghiệp trọng yếu, cũng như toàn ngành công nghiệp. Sự sụt giảm của ngành này đến từ sụt giảm mạnh của phân ngành sản xuất đồ uống do những quy định thắt chặt về việc sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông đã khiến tiêu thụ của các mặt hàng này giảm.

Trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm chỉ riêng ngành cơ khí có chỉ số IIP giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, bởi ảnh hưởng từ giảm cầu trên thế giới và các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp sản xuất trong khu vực. Tuy nhiên, nhìn chung ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển thị trường đầu tư. Mặt khác, chỉ số sản xuất ba ngành công nghiệp truyền thống năm 2024 giảm 0,2%. Trong số đó, chỉ số sản xuất ngành sản xuất trang phục tăng 0,3%; ngành dệt tăng 1,3%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 1,3%.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì mức tăng ổn định mặc dù tăng trưởng khiêm tốn, cùng với đó là sự phục hồi và phát triển bền vững của ngành công nghiệp thành phố. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn cho thấy đã có nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng từng bước phục hồi trong năm 2024 và có những tín hiệu tích cực trong năm 2025 sắp tới.

Để thúc đẩy ngành sản xuất công nghiệp, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp thông qua việc triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí - tự động hóa; cao su - nhựa; chế biến lương thực thực phẩm; phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng; đồng thời xây dựng chính sách lãi vay ưu đãi cho bốn ngành công nghiệp trọng yếu và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cùng với những chính sách hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện thuận lợi tận dụng được những chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu doanh nghiệp như chính sách giảm thuế, giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...

Bước tiến công nghệ hóa sản xuất

Mặc dù, ngành công nghiệp của thành phố hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhưng giá trị gia tăng của ngành cho thấy tiếp tục duy trì đà ổn định sau đại dịch này theo số liệu thống kê giai đoạn 2020 - 2024. Đồng thời, nhiều dự báo cho thấy kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2025 sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ vào tăng trưởng của ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.

Đối với ngành công nghiệp, Báo cáo Kinh tế TP Hồ Chí Minh: Phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới, do Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) và Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện và vừa mới công bố cho thấy, đà tăng trưởng của ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2024 vẫn còn khiêm tốn và cách khá xa với xu hướng tăng trưởng của giai đoạn trước đại dịch COVID-19 (2014-2019). Cụ thể, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp năm 2024 chỉ cao hơn 13,2% so với mức tương ứng của năm 2019, tức trung bình mỗi năm tăng 2,5% trong giai đoạn 2019 - 2024; trong khi đó ở giai đoạn 2014 - 2019 là 7,4%.

Theo TS. Hồ Hoàng Anh, Giảng viên khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, những con số này cũng phần nào phản ánh một hiện thực khách quan, ngành công nghiệp là đối tượng chính của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao và xanh hóa nên sẽ mất nhiều thời gian hơn để ngành công nghiệp có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng cao với mô hình sản xuất công nghệ cao và xanh hóa. Mặt khác, những ngành công nghiệp truyền thống của TP Hồ Chí Minh nhìn chung đang có xu hướng thu hẹp về sản lượng, trong khi đó các ngành công nghiệp trọng điểm vẫn chưa hồi phục ổn định sau đại dịch COVID-19.

Trước tiên có thể xem xét ba ngành công nghiệp truyền thống của TP Hồ Chí Minh là dệt, trang phục và da thì chỉ có ngành dệt lại ghi nhận một xu hướng phục hồi dù khiêm tốn sau đại dịch COVID-19, thể hiện sự dịch chuyển ra khỏi các ngành công nghiệp thâm dụng lao động một phần; riêng hai ngành trang phục và da có xu hướng tiếp tục đà giảm sút. Thực tế này, phản ánh một tín hiệu tích cực là thành phố đang dần chuyển dịch ra khỏi các ngành công nghiệp thâm dụng lao động.

Hay ghi nhận ở bốn ngành công nghiệp trọng điểm của TP Hồ Chí Minh là lương thực và thực phẩm, hóa dược, điện tử và cơ khí. Sau đại dịch COVID-19, ngành hóa dược cũng ghi nhận một xu hướng phục hồi nhanh, tiếp đến là ngành điện tử cũng ghi nhận một xu hướng phục hồi tương đối chậm nhưng khá ổn định.

Cuối cùng, là ngành cơ khí và ngành lương thực và thực phẩm vẫn chưa ghi nhận xu hướng phục hồi rõ ràng. Qua đó, có thể thấy ngoại trừ ngành hóa dược, ba ngành công nghiệp trọng điểm còn lại vẫn chưa xây dựng được khả năng cạnh tranh vững chắc trên thị trường.

Lý giải nguyên nhân các ngành công nghiệp lương thực và thực phẩm, điện tử và cơ khí của TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phục hồi nhanh hơn sau đại dịch COVID-19, một số chuyên chỉ ra rằng, ở góc độ tích cực thì các doanh nghiệp trong ba ngành công nghiệp này đã đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình quản lý nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, nhưng phải cần thêm một thời gian nữa thì các khoản đầu tư này mới hiện thực hóa được tác dụng. Còn ở góc độ ngược lại, các doanh nghiệp vẫn chưa đầu tư mạnh vào sản xuất kinh doanh do gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng và do mức sinh lời chưa thực sự hấp dẫn.

Việc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp hay công đoạn trong một chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao cũng đòi hỏi nguồn lao động kỹ thuật cao. Để chuyển đổi và nâng cấp mô hình sản xuất trong ngành công nghiệp đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư, tuy nhiên khi chi phí đầu vào sản xuất còn gây ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của vốn, nhất là chi phí lao động do thiếu nguồn lao động chất lượng cao thì nhiều doanh nghiệp có xu hướng không đầu tư chuyển đổi và nâng cấp mô hình sản xuất.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vốn đã và đang phải chịu quá tải trong một thời gian dài như giao thông vận tải, nhà ở, bộ máy quản lý hành chính, y tế, giáo dục và các tiện nghi sống khác... cũng là một trong những yếu tố khiến chi phí đầu vào sản xuất của doanh nghiệp và chi phí sinh hoạt của người lao động còn cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho thành phố lẫn cộng đồng doanh nghiệp giảm khả năng thu hút vốn đầu tư và người lao động chất lượng cao vào sản xuất công nghiệp.

Bài cuối: Đưa sản phẩm chủ lực vào chuỗi cung ứng

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng thương hiệu công nghiệp TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Cải tiến công nghệ duy trì đà tăng trưởng" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).