Mức phạt vi phạm nồng độ cồn thay đổi thế nào từ 1/1/2025?

02/01/2025 14:00

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025.

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP sẽ thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP).

Nghị định 168 có nhiều điều chỉnh đáng chú ý về mức phạt. Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm tăng mức phạt gấp nhiều lần so với hiện hành.

Riêng về vi phạm nồng độ cồn, quy định tại Nghị định 168 cũng có sự thay đổi về mức phạt so với Nghị định 100/2019.

Theo đó, đối với ôtô:

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 triệu đồng - 8 triệu đồng như tại Nghị định 100/2019. Tuy nhiên có sự thay đổi là tài xế sẽ bị trừ 4 điểm trong giấy phép lái xe (GPLX) thay vì tước bằng ngay tại thời điểm vi phạm.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn thay đổi thế nào từ 1/1/2025?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở có mức phạt mới là 18 triệu đồng - 20 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng so với Nghị định 100/2019). Ngoài ra, tài xế bị trừ 10 điểm trong GPLX (thay vì bị tước bằng 16 - 18 tháng như Nghị định 100).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì người vi phạm sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng - 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (như Nghị định 100/2019).

Đối với môtô:

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng - 3 triệu đồng như tại Nghị định 100/2019. Tuy nhiên có sự thay đổi là tài xế sẽ bị trừ 4 điểm trong GPLX thay vì tước bằng ngay tại thời điểm vi phạm.

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở có mức phạt mới là 6 triệu đồng - 8 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng so với Nghị định 100/2019). Ngoài ra, tài xế bị trừ 10 điểm trong GPLX (thay vì bị tước bằng 16 - 18 tháng như Nghị định 100).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì người vi phạm sẽ bị phạt từ 8 triệu đồng - 10 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng so với Nghị định 100/2019) và tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

Đối với xe đạp, xe đạp máy:

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 100 nghìn đồng - 200 nghìn đồng (mức phạt theo Nghị định 100/2019 là 80 nghìn đồng - 100 nghìn đồng).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở có mức phạt mới là 300 nghìn đồng - 400 nghìn đồng (mức phạt theo Nghị định 100/2019 là 200 nghìn đồng - 300 nghìn đồng).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì người vi phạm sẽ bị phạt 400 nghìn đồng - 600 nghìn đồng (bằng mức phạt theo Nghị định 100/2019).

Đối với xe máy chuyên dùng:

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng - 5 triệu đồng như tại Nghị định 100/2019. Tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 10 - 12 tháng.

Mức phạt với người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông từ tháng 1/2025, nhiều người cần biếtMức phạt với người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông từ tháng 1/2025, nhiều người cần biếtĐỌC NGAY

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở có mức phạt là 6 triệu đồng - 8 triệu đồng (như Nghị định 100/2019). Tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 16 - 18 tháng.

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì người vi phạm sẽ bị phạt từ 18 triệu đồng - 20 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng so với Nghị định 100/2019) và tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 22 - 24 tháng.

Về các biện pháp trừ điểm GPLX, theo Bộ Công an, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định mỗi GPLX có 12 điểm. Số điểm sẽ bị trừ mỗi khi người có GPLX vi phạm giao thông, tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi.

Để chi tiết nội dung này, Bộ Công an đề xuất 189 hành vi sẽ bị trừ điểm GPLX, mức trừ từ 2 - 12 điểm. Trong số này, 28 hành vi bị trừ 12 điểm (tức là chỉ cần vi phạm một lần là bị trừ sạch điểm), đây đều là lỗi có tính cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

Riêng với nồng độ cồn, mức trừ điểm được đề xuất đối với ngưỡng thấp nhất là 6 điểm, ngưỡng thứ hai là 10 điểm, ngưỡng cao nhất là 12 điểm. Các mức trừ điểm này được áp dụng chung cho cả người điều khiển xe máy và ô tô.

Về nguyên tắc trừ điểm GPLX, điểm trừ sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết. Trường hợp bị trừ hết điểm, lái xe sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó.

Sau ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nếu kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm sẽ được hồi phục đủ 12 điểm nếu không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.

Khi đổi, cấp lại hoặc nâng hạng giấy phép lái xe, số điểm sẽ được bảo lưu từ giấy phép cũ. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng có quyền trừ điểm từ giấy phép lái xe của người vi phạm.

Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Sức khỏe & Đời sống)

Bạn đang đọc bài viết "Mức phạt vi phạm nồng độ cồn thay đổi thế nào từ 1/1/2025?" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).