Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra đối với việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Giao Thông vận tải xem xét trách nhiệm, bồi thường thiệt hại (nếu có) và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với việc giảm vốn, mất vốn nhà nước khi cổ phần hoá, thoái vốn với giá trị 396,6 tỷ đồng.
Trong đó, do cổ phần hóa làm giảm, mất vốn nhà nước 66,1 tỷ đồng, gồm: tại Cienco 5, khi xử lý tài chính để cổ phần hóa làm giảm vốn nhà nước là 63,6 tỷ đồng. Trong đó: tại Công ty 506 là 56,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thương mại 577 là 6,6 tỷ đồng; tại TCT XDTL là 2 tỷ đồng khi xác định giá trị doanh nghiệp làm giảm vốn nhà nước là 1,7 tỷ đồng và số tiền nhà nước khi thoái vốn bị giảm hơn mệnh giá tại Công ty cổ phần Cầu 5 Thăng Long là 276 triệu đồng; tại Cienco 8, do không làm rõ trách nhiệm để bồi thường đối với tài sản đã mất 520 triệu đồng.
Thêm nữa, do hoạt động sản xuất kinh doanh làm giảm, mất vốn nhà nước số tiền 330 tỷ đồng, gồm: việc giảm, mất vốn nhà nước với số tiền 40,7 tỷ đồng tại Công ty Cơ khí ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng; việc Công ty Tranco giảm, mất vốn nhà nước (lỗ) 289,6 tỷ đồng (trong đó có việc ủy quyền, bảo lãnh vốn vay vượt thẩm quyền cho lãnh đạo Chi nhánh phía Nam; việc huy động và sử dụng vốn không đúng mục đích tại dự án Phước Kiểng); quá trình xem xét, xử lý nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thiệt hại tài sản Nhà nước thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải chủ yếu thực hiện việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2018, theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 Đề án tái cơ cấu của 4 Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt 15 Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của 15 Tổng công ty do Bộ GTVT quyết định thành lập.
Bộ GTVT đã triển khai cổ phần hóa 124 doanh nghiệp (bao gồm 16 Tổng công ty và 108 Công ty), đã hoàn thành cổ phần hóa và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tại 12 Tổng công ty (trong đó 07/12Tổng công ty không bán hết số lượng cổ phần theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt); tổng số tiền thu được từ cổ phần hóa là 6.121.524 triệu đồng; tổng số tiền đã sử dụng 2.623.991 triệu đồng; tổng số tiền đã nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trung ương là 3.497.533 triệu đồng.
Trong giai đoạn này, Bộ GTVT đã hoàn thành việc thoái vốn tại 11 doanh nghiệp với giá trị thu về gần 2.785 tỷ đồng, trong đó có 8 Công ty mẹ -Tổng công ty và 3 Công ty cổ phần do Bộ GTVT là cơ quan đại diện chủ sở hữu, số tiền thu được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Phần vốn nhà nước còn lại tại các doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn, Bộ GTVT đã triển khai, thực hiện chuyển giao quyền đại diện vốn về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, giá trị bán ra theo mệnh giá (giá trị đầu tư) là trên 2.153 tỷ đồng, giá trị thu về là gần 2.785 tỷ đồng, thặng dư đạt 632.000 tỷ đồng, tương ứng 129% giá trị mệnh giá. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở trong giai đoạn 2011- 2021, Bộ GTVT đã đồng ý cho một số đơn vị thực hiện.
Trong năm 2018, Bộ GTVT chuyển 5 doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 05 doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Trong 5 doanh nghiệp chuyển giao về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước thì có 03 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, gồm: VNA, ACV, VIMC. Còn VNR, VEC không có chủ trương phải cổ phần hoá, thuộc đối tượng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 và Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ GTVT đang chủ trì thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), Tổng công ty Đầu tư phát triển Cửu Long và Ban Quản lý hạ tầng giao thông.