Loạt thương vụ thâu tóm doanh nghiệp y tế Việt đình đám trong năm 2023

04/01/2024 12:30

Trong năm 2023, thị trường y tế và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A. Các nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra hàng triệu USD để thâu tóm các thương hiệu lớn của Việt Nam.

Adamed Pharma mua 100% Dược phẩm Đạt Vi Phú

Adamed Pharma đã trở thành cổ đông duy nhất của Davipharm (Đạt Vi Phú), một trong những nhà sản xuất dược phẩm phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong tháng 4/2023. Trước đó, tập đoàn Ba Lan từng mua lại 70% cổ phần của doanh nghiệp này.

Theo giới thiệu, DaviPharm có năng lực sản xuất nhiều cơ lô từ 15-100kg với sản lượng hàng năm là 500 triệu đơn vị thuốc hoạt tính cao. Tổng công suất của nhà máy là 1,2 tỷ đơn vị/năm.

Tập đoàn Adamed Pharma (Ba Lan) công bố đã mua và nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Dược phẩm Đạt Vi Phú (DaviPharm) lên 100%. Tập đoàn Adamed Pharma (Ba Lan) công bố đã mua và nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Dược phẩm Đạt Vi Phú (DaviPharm) lên 100%.

Vào tháng 4/2021, DaviPharm công bố chứng nhận dây chuyền sản xuất thuốc hoạt tính cao dạng rắn đầu tiên tại Việt Nam để sản xuất thuốc có tác dụng gây độc tế bào hoặc kìm tế bào. Đây là những loạt thuốc điều trị ung thư ở dạng viên nang cứng, viên nén và viên nén bao phim. Danh mục của công ty dược này bao gồm 28 loại thuốc hoạt tính cao (HP), bao gồm các thuốc điều trị ung thư vú, bệnh bạch cầu, tuyến tụy, đại trực tràng, dạ dày…

Được thành lập vào năm 1986 tại Ba Lan, Adamed Pharma là tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học.

TASKA của Nhật Bản tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Phẩm Hà Tây

Một thương vụ đáng chú ý khác của ngành dược phẩm trong năm 2023 là Tập đoàn dược phẩm ASKA của Nhật Bản chi 180 tỷ đồng (7,4 triệu USD) để tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Dược phẩm Hà Tây (mã chứng khoán DHT). Khi thương vụ hoàn tất, ASKA sẽ nắm giữ 26,8 triệu cổ phiếu DHT, tương đương gần 33% vốn điều lệ. Trước đó, năm 2021, ASKA đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Dược Hà Tây khi mua gần 5,3 triệu cổ phần phát hành mới với mức giá 70.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18% thị giá cổ phiếu DHT khi đó.

Thời điểm này, ASKA nắm 24,9% vốn điều lệ của Dược Hà Tây (6,6 triệu cổ phiếu) và là cổ đông lớn nhất tại công ty dược này. Sang tới tháng 6/2023, Dược Hà Tây chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 180%, tương ứng cổ đông nắm 100 cổ phiếu sẽ nhận về 180 cổ phiếu mới. Lượng cổ phiếu của ASAKA nắm tăng lên hơn 18,4 triệu cổ phiếu và hiện tại đã tăng lên gần 27 triệu đơn vị sau giao dịch mới nhất.

DHT dự kiến chi 78 tỷ đồng (3,21 triệu USD) xây dựng nhà máy dược phẩm công nghệ cao và 102 tỷ đồng còn lại tái cơ cấu các khoản vay ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tự chủ tài chính và giảm áp lực tài chính.

Ngoài ra, HĐQT DHT đã quyết định tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 44,31%.Được thành lập từ năm 1920, ASKA chuyên cung cấp các sản phẩm nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu. Vào tháng 4/2020, công ty đã thành lập bộ phận kinh doanh quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thông qua hoạt động tại thị trường nước ngoài.

Hãng dược phẩm Nhật Bản cho biết mục đích của giao dịch này là nhằm thiết lập căn cứ tại Đông Nam Á làm bệ phóng cho việc mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế.

SK Investment nắm 65% cổ phần Imexpharm

Mới đây, CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã chứng khoán: IMP) vừa công bố Nghị quyết ĐHĐCĐ thông qua việc miễn chào mua công khai đối với việc chuyển nhượng cổ phần giữa SK Investment và các cổ đông hiện hữu của công. Với Nghị quyết này SK Investment trở thành nhà đầu tư nắm trên 65% cổ phần có quyền biểu quyết.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của SK Investment tại Imexpharm đang là 64,83%. SK Investment đầu tư vào Imexpharm từ cuối tháng 5/2020 sau khi nhận chuyển nhượng 12,3 triệu cổ phiếu IMP, tương đương 24,9% vốn điều lệ công ty từ các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital cùng với CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset.

SK Investment là công ty con trực thuộc tập đoàn SK, chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc. Đây là dự án đầu tư trực tiếp đầu tiên của SK Group tại Việt Nam. Trước đó, SK Group được biết đến là một trong những tập đoàn đầu tư lớn trong các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.

Thomson Medical Group chi 9.000 tỷ mua Bệnh viện FV

Vào tháng 7/2023, thương vụ lớn nhất ngành chăm sóc sức khoẻ Việt Nam, cũng là thương vụ lớn nhất Đông Nam Á được ghi nhận trong năm. Đó là Thomson Medical Group (TMG, Singapore) mua lại Bệnh viện FV (FV Hospital) với giá trị 381,4 triệu USD (hơn 9.000 tỷ đồng), bao gồm 359,6 triệu USD trả trước và 21,8 triệu USD sẽ được giao khi Bệnh viện FV đạt được các mốc hiệu suất nhất định.

TMG đã chiến thắng trong cuộc đấu thầu cạnh tranh cùng với 20 đối thủ khác.Trước đó, Quadria Capital, công ty vốn cổ phần tư nhân tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đã đầu tư vào FV Hospital năm 2017 với số tiền không được tiết lộ. Neuberger Berman Private Equity và DEG, tổ chức tài chính của Đức cũng tham gia.

Thomson Medical Group chi 9.000 tỷ mua Bệnh viện FV. Thomson Medical Group chi 9.000 tỷ mua Bệnh viện FV.

Kiat Lim - Phó Chủ tịch điều hành của Thomson Medical, con trai của tỷ phú Peter Lim - cho biết Thomson Medical đã theo đuổi thương vụ FV Hospital trong hơn nửa năm, phần lớn thời gian cho quá trình thẩm định.Theo các điều khoản thoả thuận, Thomson Medical sẽ mua lại 100% cổ phần Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam, công ty điều hành FV Hospital. Thoả thuận tương ứng giá trị doanh nghiệp (Enterprise Value – EV) khoảng 328,5 triệu USD. Với thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) năm tài chính 2022 là 19,7 triệu USD, tỷ lệ EV/EBITDA ở mức 16,7 lần. Trong giai đoạn 2019 – 2022, doanh thu của FV Hospital tăng trưởng gộp hàng năm khoảng 8,3% (tính theo đồng SGD), EBITDA tăng 14% và lợi nhuận sau thuế tăng 14,9%.

Doanh thu FV Hospital đạt hơn 1.329 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng vào năm 2020.FV Hospial được thành lập bởi Jean – Marcel Guillon và một nhóm bác sĩ người Pháp tại TP HCM từ năm 2003. Đến cuối năm 2022, bệnh viện có gần 200 giường bệnh. Nằm tại Quận 7, TP HCM, FV Hospital cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao cho bệnh nhân tại Việt Nam cũng như từ Lào, Campuchia và Myanmar.

Từ năm 2013, FV Hospital có thêm một phòng khám ngoại trú tại trung tâm Quận 1, TP HCM.Bệnh viện có diện tích sàn 26.300 m2, đội ngũ 1.600 chuyên gia chăm sóc sức khoẻ, trong đó hơn 200 bác sĩ. Hiện, FV Hospital đang tiến hành đầu tư mở rộng thêm 9.100 m2 diện tích sàn.

Tập đoàn Singapore thâu tóm Bệnh viện quốc tế Mỹ

Vào tháng 10, tập đoàn y tế Raffles Medical (RMG) của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong đã chấp thuận mua phần lớn cổ phần của bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tại TP. HCM với tham vọng mở rộng hoạt động ra ngoài Trung Quốc và Singapore.

Raffles chưa tiết lộ số tiền đổ vào AIH, thương vụ được thực hiện thông qua hợp đồng hợp tác chiến lược với công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ, chủ đầu tư của AIH. Đi vào hoạt động từ năm 2018 với mức định giá hiện tại là 45,6 triệu USD, AIH có công suất hoạt động 120 giường nội trú và quy mô nhân sự khoảng 500 người, bao gồm 60 bác sĩ. Đây là dự án của Tập đoàn Tiến Phước, nhà phát triển bất động sản lâu đời tại TP.HCM. Hồi tháng 7, Savills Việt Nam định giá AIH ở mức 45,6 triệu USD.

Được thành lập vào năm 1976 bởi tỷ phú Loo Choon Yong với hai phòng khám tại Singapore, Raffles Medical hiện có hơn 100 phòng khám trên khắp châu Á. Nổi tiếng nhất với bệnh viện Raffles ở Singapore, công ty đã mở rộng sang Trung Quốc trong những năm gần đây, với các bệnh viện ở Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thượng Hải.

Tập đoàn Hàn Quốc mua chuỗi Trung Sơn Pharma

Vào tháng 10, Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) thông báo đã ký hợp đồng mua 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, một công ty đang điều hành chuỗi nhà thuốc ở Việt Nam.

Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Dongwha Pharm cho biết đã chi gần 30 triệu USD để mua lại 51% cổ phần Trung Sơn Pharma, tương đương mức định giá lên đến 60 triệu USD (hơn 1.412 tỷ đồng).

Chứng kiến nhu cầu ngày càng tăng về vitamin, hồng sâm và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của Hàn Quốc tại Việt Nam, Dongwha có kế hoạch đẩy mạnh doanh số các sản phẩm này.

Tập đoàn Hàn Quốc mua chuỗi Trung Sơn Pharma Tập đoàn Hàn Quốc mua chuỗi Trung Sơn Pharma

Dược phẩm Trung Sơn được thành lập vào năm 1997 bởi cặp vợ chồng bác sĩ Trương Thanh Sơn và dược sĩ Trương Hoàng Thanh Trúc. Đây là chuỗi nhà thuốc lâu đời lớn nhất miền Tây, với quy mô chuỗi hơn 140 cửa hàng, tập trung chính ở Tp. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Cà Mau và có 2 chi nhánh tại Tp.HCM.

Theo tờ Business Korea, năm ngoái với 140 cửa hàng, Trung Sơn Pharma đạt khoảng 56,5 triệu USD doanh thu, tức hơn 1.340 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 46% kể từ 2019.Cùng năm, Long Châu đạt 9.596 tỷ đồng doanh thu thuần với 937 cửa hàng và An Khang có doanh thu là 1.500 tỷ đồng với 500 hiệu thuốc (số liệu tính đến hết năm 2022).

Như vậy, trung bình mỗi cửa hàng Trung Sơn Pharma mang về hơn 9,6 tỷ đồng doanh thu, tương đương với Long Châu là 10,2 tỷ đồng và cao hơn An Khang (trung bình mỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài kiếm được 3 tỷ đồng/năm).

Ghi nhận trên website, Trung Sơn Pharma cung cấp nhiều loại thuốc các sản phẩm bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, thực phẩm bổ sung sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (H&B) với danh mục lên đến 2.750 SKUs.

Ngoài ra, Trung Sơn Pharma còn sở hữu một thẩm mỹ viện Trung Sơn Cosmetic, một trung tâm mỹ phẩm và một trang thương mại điện tử TrungSonCare.com. Thông qua hợp tác với Dongwha Pharm, Trung Sơn Pharma không giấu tham vọng tăng cường hơn nữa sự hiện diện của họ lên 460 cửa hàng vào năm 2026, tức gấp 3 lần hiện tại và tiến vào thành phố lớn - nơi Pharmacity, Long Châu, An Khang... đang tranh nhau quyết liệt.

Bạn đang đọc bài viết "Loạt thương vụ thâu tóm doanh nghiệp y tế Việt đình đám trong năm 2023" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).