Kỳ vọng tiền gửi không kỳ hạn cải thiện trong nửa cuối năm

08/08/2023 20:30

Với xu hướng lãi suất liên tục hạ nhiệt, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) kỳ vọng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn ngành ngân hàng sẽ được cải thiện trong nửa sau của năm 2023.

Chú thích ảnh Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Trên thực tế, báo cáo tài chính mới nhất của 21/29 ngân hàng đã ghi nhận tín hiệu phục hồi của CASA trong quý II vừa qua sau khi tỷ lệ này sụt giảm sâu ở quý đầu năm.

Trong đó, đáng chú ý là sự trở lại của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), một đơn vị từng nhiều năm dẫn đầu ngành ngân hàng về tỷ lệ CASA, có thời điểm tỷ lệ này tại Techcombank chiếm đến gần 50% tổng tiền gửi khách hàng.

Cụ thể, báo cáo của Techcombank cho thấy tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đã tăng từ mức 32% hồi cuối quý I/2023 lên thành 34,9% khi kết thúc quý II. Tuy mức tăng 2,9 điểm % là không quá nhiều nhưng đây cũng là một tín hiệu tích cực cho Techcombank sau 4 quý liên tiếp CASA sụt giảm.

Sự phục hồi này không khó lý giải khi từ cuối quý I/2023, lãi suất huy động có kỳ hạn đã dần hạ nhiệt và xu hướng này tiếp diễn trong suốt quý II vừa qua, kéo mặt bằng lãi suất xuống tương đương thời điểm trước đại dịch COVID-19. Điều này khiến dòng tiền lưu lại tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi không kỳ hạn thay vì tìm đến các kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao như trước.

Bên cạnh đó, sự phục hồi về tỷ lệ CASA này còn đến từ kết quả của chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ tại Techcombank với các chương trình miễn phí giao dịch trên kênh trực tuyến hay hoàn tiền mua sắm cho khách hàng. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, Techcombank đã có thêm 1,4 triệu khách hàng mới, nhiều hơn cả số lượng khách hàng mới ghi nhận trong cả năm 2022 và một nửa trong đó đến từ kênh số. 

Sự phục hồi này đã giúp Techcombank thu hẹp dần khoảng cách với "quán quân" CASA là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Hiện tỷ lệ CASA tại MB đạt gần 37,1%, tăng 1,6 điểm % so với quý I/2023.

Ngoài MB và Techcombank, nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA cao như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với 24,2%; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 20,5%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với 16,8%; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với 16,4%...

Còn trong số các ngân hàng lớn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục đứng đầu về số dư tuyệt đối của tiền gửi không kỳ hạn với gần 384.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi, ngân hàng này chỉ đứng thứ 3 sau MB và Techcombank với 29%, tiếp tục giảm nhẹ so với quý trước.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại có dấu hiệu phục hồi CASA với mức tăng nhẹ, lần lượt đạt 18,6% và 16,6% tại thời điểm kết thúc quý II/2023. 

Theo giới chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần cắt giảm nhiều loại lãi suất điều hành trong thời gian qua, kéo lãi suất huy động đi xuống đã giúp CASA phục hồi trở lại. Song song với đó, một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản... có tín hiệu ấm dần cũng khiến dòng tiền không còn nằm yên trong các khoản tiết kiệm có kỳ hạn nữa mà trở lại với tài khoản thanh toán để sẵn sàng cho các cơ hội đầu tư sinh lời. 

VCBS cho rằng các ngân hàng có lượng khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào như Vietcombank, MB hay Techcombank… sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và duy trì lợi thế chi phí vốn thấp trong thời gian tới. Đồng thời xu hướng lãi suất hạ nhiệt sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tỷ lệ CASA trong nửa cuối năm.

Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank từng kỳ vọng nếu thuận lợi, tỷ lệ CASA của ngân hàng có thể trở lại mốc 40%.

Tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất gần như bằng 0% luôn được coi là nguồn vốn giá rẻ, giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí huy động vì tỷ lệ CASA càng cao, ngân hàng càng có chi phí vốn thấp, tạo lợi thế để đảm bảo biên lợi nhuận (NIM), từ đó gia tăng sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, khi các kênh đầu tư trở nên ấm dần, dòng tiền dù đã không còn trú ẩn trong tiền gửi có kỳ hạn nhưng việc nâng tỷ lệ CASA cũng không phải là dễ dàng, bởi tiền nhàn rỗi có thể chảy sang chứng khoán, trái phiếu hay nhưng cơ hội đầu tư khác.

Dù vậy, vị chuyên gia nhận định tỷ trọng CASA vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng và ngân hàng nào càng đẩy mạnh chuyển đổi số, làm hài lòng người dùng, sẽ càng có lợi thế trong cuộc đua hút vốn giá rẻ này.

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ vọng tiền gửi không kỳ hạn cải thiện trong nửa cuối năm" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).