Chiều 21/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Người Đưa Tin về những điểm đại biểu quan tâm và kỳ vọng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã chính thức được Quốc hội thông qua, ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho biết, mặc dù lần sửa này sửa đổi một số điều nhưng các chính sách rất lớn, tác động đến ngành dược khá nhiều và liên quan trực tiếp đến người sử dụng.
Là người công tác trong ngành y, bà Khánh Thu cho biết, những chính sách lớn, đặc biệt chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược lần sửa đổi này đã linh hoạt, cùng với sự đồng thuận và sửa đổi của các luật liên quan khác.
Do đó, đại biểu hy vọng chính sách này sẽ có một sự chuyển biến lớn trong chính sách phát triển công nghiệp dược tại Việt Nam.
Về cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành thuốc, theo bà Khánh Thu, đây là vấn đề chịu tác động ảnh hưởng lớn nhất là không có thuốc cung ứng vào các bệnh viện giai đoạn sau Covid-19 với nhiều nguyên nhân.
"Sửa Luật Dược lần này đã bắt kịp ứng dụng công nghệ thông tin để tự động gia hạn, tự động cấp phép, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc. Điều này, tôi cho rằng sẽ giải quyết được vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép và gia hạn đối với một số loại thuốc", bà Khánh Thu chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề giá thuốc, nữ đại biểu đoàn Thái Bình nhìn nhận, các điều khoản trong luật có thể chưa giải quyết hết được các vấn đề mong muốn.
Tuy nhiên, bà hy vọng cùng với Luật Dược và các luật liên quan vừa được ban hành như Luật Giá, sắp tới Luật Thuế Giá trị Gia tăng… Cùng với đó là các nghị định của Chính phủ sẽ có quy định chi tiết, cụ thể, đặc biệt là các văn bản quy định, thông tư của Bộ Y tế sẽ cụ thể hóa hơn trong hoạt động quản lý giá thuốc.
"Như vậy, trực tiếp là người dân sẽ an tâm hơn, không phải lo mua phải thuốc giá trôi nổi. Các cơ sở khám chữa bệnh khi mua thuốc sẽ có kênh thông tin tham khảo an toàn hơn trong quá trình đấu thầu, mua sắm", bà Khánh Thu chia sẻ.
Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, đây là vấn đề mà người làm nghề y như đại biểu Khánh Thu rất băn khoăn.
Bà Khánh Thu chia sẻ, trước kia chưa có quy định này thì việc bán thuốc, mua thuốc đã dễ dàng, vậy vấn đề triển khai như thế này sẽ quản lý thế nào?, cộng thêm việc mua hàng qua online sản phẩm đến tay người tiêu dùng đã có mặt trái.
Song đại biểu cho rằng, với chính sách hiện nay, với sửa đổi Luật Dược lần này đã hết sức thận trọng, không mở ồ ạt mà có những ràng buộc và có những quy định. Từng bước để lựa chọn một số danh mục thuốc khác, có quy định để thực hiện bán hàng được.
"Cùng với hoạt động chuyển đổi và các phát triển về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như các giao dịch điện tử hiện nay đã có các Luật và các chế tài liên quan. Do vậy, các hoạt động về dược cũng không thể đi ngoài chuyển động mà cần có sự hội nhập", nữ đại biểu cho hay.
Với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu kỳ vọng sau đây sẽ có các văn bản quy định của Chính phủ, các hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế và các Bộ liên quan. Từ đó, Luật mới có thể đi vào cuộc sống và người dân mới được thụ hưởng những lợi ích của các chính sách mới này.
Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát Điều 7 (sửa đổi) để bảo đảm thể hiện nội dung lớn mang tính nguyên tắc.
Bổ sung quy định "Có chính sách kiểm soát số lượng giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với các thuốc có cùng dược chất, dược liệu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ" tại khoản 14 và "Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động về dược" tại khoản 15.
Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, nhất là quy định tại khoản 8, 13, 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép vẫn giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Liên quan đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp được, trên cơ sở ý kiến của đa số đại biểu phát biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ dự kiến tiếp thu khoản 1 Điều 8 theo Phương án 1, đó là, cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đồng thời, để bảo đảm đồng bộ chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực dược, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo quan tâm thể hiện các nội dung ưu đãi thuế khi sửa đổi pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan, trong đó có dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Luật sau khi chỉnh lý gồm 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 2 điểm, 2 khoản và 1 điều của Luật Dược hiện hành, bổ sung 03 điều mới; Điều 2 sửa đổi, bổ sung Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15; Điều 3 về Điều khoản thi hành.
Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, tuy nhiên một số quy định sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.