Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam-Qatar

30/10/2024 00:03

(Chinhphu.vn) - Ông Khalid Ali Abdullah Abel, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Qatar tại Việt Nam lạc quan cho rằng chuyến thăm chính thức sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ góp phần đưa quan hệ hai nước bước vào kỷ nguyên mới sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam-Qatar- Ảnh 1.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Qatar tại Việt Nam Khalid Ali Abdullah Abel

Đại sứ Khalid Ali Abdullah Abel đưa ra nhận định trên trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhà nước Qatar ngày 30-31/10.

Thưa Đại sứ, xin Đại sứ cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Qatar?

Đại sứ Qatar Khalid Ali Abdullah Abel: Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tới Nhà nước Qatar diễn ra tiếp sau thời điểm hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1993-2023).

Trong những năm gần đây, lãnh đạo hai nước đã nỗ lực tăng cường hợp tác song phương lên mức tương xứng với tiềm năng của hai nước, bằng chứng là việc duy trì trao đổi đoàn và các chuyến thăm cấp cao.

Chuyến thăm lần này phản ánh sự chuyển dịch theo hướng tăng cường quan hệ giữa hai nước, vốn đã tích cực trong những năm gần đây, để nâng cấp quan hệ song phương.

Hai bên dự kiến sẽ tập trung vào các lĩnh vực kinh tế và đầu tư, phát triển ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam và tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước, cũng như hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, năng lượng sạch và tăng trưởng xanh.

Sự quan tâm của giới lãnh đạo Qatar, đặc biệt là Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani và Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, trong việc tăng cường quan hệ và hợp tác với Việt Nam cho thấy rõ tầm quan trọng của chuyến thăm này.

Xin Đại sứ cho biết kỳ vọng về kết quả của chuyến thăm với khả năng ký kết các văn kiện hoặc chương trình hợp tác tạo khuôn khổ pháp lý cho hai nước sau khi Việt Nam và Qatar kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?

Đại sứ Qatar Khalid Ali Abdullah Abel: Bên cạnh mối quan hệ và lợi ích chung, lãnh đạo hai nước chia sẻ tầm nhìn chung và mong muốn phát triển quan hệ song phương lên tầm cao hơn, tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai nước.

Trong chuyến thăm, một số thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ về việc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương hướng tới quan hệ đối tác ở cấp độ cao hơn dự kiến sẽ được ký kết. Tôi lạc quan rằng quan hệ hai nước sẽ bước vào kỷ nguyên mới, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đại sứ đánh giá thế nào về sự phát triển của quan hệ song phương trong thời gian qua?

Đại sứ Qatar Khalid Ali Abdullah Abel: Quan hệ ngoại giao giữa Nhà nước Qatar và Việt Nam được thiết lập vào ngày 8 tháng 2 năm 1993. Kể từ đó, hai nước đã có mối quan hệ tuyệt vời dựa trên sự tôn trọng, tin cậy và lợi ích chung, được hỗ trợ bởi giao tiếp, các chuyến thăm lẫn nhau và việc ký kết các hiệp định và bản ghi nhớ.

Mở ra giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam-QatarThủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Qatar

Hai nước mong muốn phát triển quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực bao gồm chính trị, kinh tế, đầu tư, lao động, văn hóa, du lịch và giáo dục, cũng như trong các lĩnh vực năng lượng xanh, chuyển đổi số và ngành công nghiệp Halal.

Trong những năm qua, hai bên đã ký nhiều hiệp định hợp tác và biên bản ghi nhớ. Hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Theo Hội đồng Kế hoạch Quốc gia Qatar, thương mại song phương giữa hai nước đạt 2,748 tỷ riyal Qatar (754 triệu USD) vào năm 2023, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam ước tính là 808 triệu riyal (222 triệu USD) và tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính là 1,94 tỷ riyal Qatar (532 triệu USD). Thương mại song phương từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay đạt 2,15 tỷ riyal (590 triệu USD), trong đó xuất khẩu sang Việt Nam ước đạt 1,08 tỷ riyal (296 triệu USD) và nhập khẩu khoảng 1,07 tỷ riyal (294 triệu USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chính là dầu mỏ, khí đốt, sắt, hợp kim thép, nhựa PE, hợp kim nhôm chưa gia công. Các mặt hàng nhập khẩu chính là điện thoại thông minh, máy móc và thiết bị và giày thể thao.

Tuy nhiên, thương mại và đầu tư song phương vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng và tiềm năng của cả hai bên. Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ đóng góp rất lớn vào việc tăng cường hợp tác song phương và do đó, giai đoạn tới sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong đầu tư và thương mại song phương.

Qatar là một trong những quốc gia phát triển nhất ở Trung Đông. Việt Nam là một trong những ngôi sao đang lên ở ASEAN. Ông đánh giá thế nào về khả năng hợp tác chung? Liệu rằng Qatar có kế hoạch hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính và các cơ quan cấp chứng chỉ Halal được công nhận hay không?

Đại sứ Qatar Khalid Ali Abdullah Abel: Tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc của mình đối với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam và tôi đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực.

Vẫn còn nhiều dư địa để phát triển và tăng cường hợp tác kinh tế - đầu tư và tôi khuyến khích các công ty và Quỹ Đầu tư Qatar xem xét tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực cùng quan tâm như dầu khí, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp, cũng như trong các lĩnh vực mới nổi như công nghệ xanh, chất bán dẫn và xe điện.

Tôi tin rằng khu vực tư nhân của cả hai nước có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển quan hệ song phương bằng cách thành lập các công ty, quan hệ đối tác kinh doanh và các dự án đầu tư ở cả hai nước.

Tôi tin tưởng rằng Qatar, với nguồn lực tài chính, công nghệ, kiến thức, kết nối toàn cầu và mạng lưới logistics, đặc biệt là vận tải biển và hàng không và Việt Nam, với năng lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, lợi thế địa lý và vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho cả hai nước. Qatar có thể trở thành cửa ngõ của Việt Nam vào Trung Đông và Bắc Phi, và Việt Nam có thể đóng vai trò là cầu nối cho Qatar với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cho tới thời điểm hiện tại, các cơ quan ban ngành phía Qatar chưa có kế hoạch cụ thể thiết lập trung tâm tài chính cũng như xây dựng cơ quan cấp chứng nhận Halal. Tuy nhiên, những nội dung này có thể sẽ được thảo luận trong chuyến viếng thăm và tôi lạc quan rằng ít nhất sẽ có một vài kết quả khả quan sẽ đạt được thỏa thuận trong chuyến thăm này.

Ngài Đại sứ có gợi ý gì cho phía Việt Nam khi tìm kiếm cơ hội hợp tác với Qatar trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, cảng biển, năng lượng tái tạo, xuất khẩu lao động và du lịch không?

Đại sứ Qatar Khalid Ali Abdullah Abel: Việt Nam là một quốc gia sản xuất và là trung tâm của nhiều ngành công nghiệp như điện tử, may mặc, đồ nội thất, cà phê. Việt Nam được coi là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Là một bên ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và là thành viên của một số khối thương mại. Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn.

Các công ty và nhà đầu tư Qatar quan tâm đến việc tìm hiểu các cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, bất động sản và ngân hàng...

Ngược lại, tôi cũng rất mong muốn mời các công ty và nhà đầu tư Việt Nam tham gia vào thị trường Qatar nơi các bạn sẽ được hưởng lợi từ môi trường đầu tư, các chính sách ưu đãi và cơ sở vật chất cho các khoản đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực.

Tôi cũng đảm bảo sẽ làm hết sức mình để giúp các công ty và nhà đầu tư Qatar khám phá và tìm hiểu về triển vọng kinh tế và đầu tư tại Việt Nam, cũng như các lĩnh vực đang sẵn sàng để đầu tư. Tôi sẽ góp phần kết nối khu vực tư nhân của cả hai nước khám phá triển vọng hợp tác và các cơ hội đầu tư khả thi, đồng thời cung cấp hỗ trợ có thể cho các nhà đầu tư và công ty Việt Nam muốn đầu tư vào Qatar.

Cuối cùng, nhân cơ hội này, tôi bày tỏ lời cảm ơn và trân trọng tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam, chúc hai nước chúng ta ngày càng tiến bộ và thịnh vượng.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Thanh Thúy


Bạn đang đọc bài viết "Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam-Qatar" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).