Liên minh châu Âu (EU), với tư cách một khối và một nền kinh tế, đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể do biến động chính trị, các vấn đề về cấu trúc và chính sách mới của Mỹ về thương mại và quốc phòng.
Khối 27 quốc gia châu Âu này đang trải qua giai đoạn rủi ro cao được đánh dấu bằng tình trạng trì trệ kinh tế, phân mảnh thương mại và bất ổn địa chính trị.
Và tình hình càng bết bát hơn khi xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn và mối quan hệ căng thẳng với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Quan hệ căng thẳng
Mối quan hệ chặt chẽ trong lịch sử của EU với Mỹ đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các chính sách thương mại và quốc phòng của ông Trump. Cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" của vị Tổng thống Đảng Cộng hòa đã đưa ra các biện pháp bảo hộ chống lại cả các đồng minh.
Sắc lệnh hành pháp của ông Trump áp đặt mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu đã gây ra mối lo ngại trên khắp EU. Các quan chức cho rằng mức thuế này là không hợp lý và cam kết bảo vệ các ngành công nghiệp châu Âu khỏi các chính sách này.
EU coi mức thuế này của Mỹ là nguồn gốc của sự bất ổn kinh tế, làm gián đoạn hiệu quả và sự hội nhập của thị trường. Ngoài ra, khối này phản đối quyết định của ông Trump về việc áp dụng thuế quan "có đi có lại" đối với các quốc gia trên khắp toàn cầu.

Kiểm tra mẫu nhôm nóng chảy tại nhà máy sản xuất và tái chế nhôm Constellium ở Biesheim, Pháp, ngày 5/12/2022. Ảnh: Le Monde
Họ coi những mức thuế quan có đi có lại này là một cách tiếp cận sai lầm và đã cảnh báo rằng Brussels sẽ phản ứng nhanh chóng và kiên quyết với bất kỳ rào cản nào mà họ cho là không công bằng đối với thương mại tự do, báo hiệu sự sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến thương mại nếu cần thiết.
Các quan chức EU cũng đã ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng ngồi lại với ông Trump, tìm cách đạt được một thỏa thuận với vị chính trị gia tỷ phú Mỹ vốn tự nhận mình là một "nhà đàm phán vĩ đại".
Mặc dù vậy, có lẽ sẽ có nhiều chủ đề khác nhau trên bàn đàm phán – thuế quan, yêu cầu mua thêm dầu và khí đốt của Mỹ, khả năng tăng đóng góp quân sự trong NATO và luật kỹ thuật số và quy định về nền tảng của EU bị các công ty công nghệ Mỹ phản đối.
Việc các nước EU bị loại trừ khỏi các cuộc đàm phán hòa bình ban đầu giữa Washington và Moscow để chấm dứt xung đột Ukraine đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ Mỹ-EU.
Ông Trump cũng chỉ trích các quốc gia châu Âu vì không phân bổ đủ nguồn lực cho quốc phòng, lập luận rằng các thành viên NATO nên tăng chi tiêu quốc phòng từ mức trung bình hiện tại là 1,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 5%.
Các vấn đề nội tại
Nhiều quốc gia châu Âu đang vật lộn với nợ công cao và thâm hụt ngân sách trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và dân số già đi, cũng như chi tiêu xã hội tăng. Đối với các quốc gia này, việc tăng chi tiêu quốc phòng là một thách thức đáng kể.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của EU cho năm 2025 là 1,5%, phản ánh xu hướng chậm chạp trong những năm gần đây so với Mỹ và Trung Quốc. Các báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng Euro (Eurozone - gồm 20 quốc gia châu Âu) thậm chí có thể chỉ dao động quanh mức 1% trong năm nay.
Trong 15 năm qua, nền kinh tế châu Âu đã tụt hậu đáng kể so với Mỹ, quốc gia dẫn đầu về công nghệ và chuyển đổi số. Trong khi Mỹ tăng GDP lên 70%, EU chỉ tăng 20%.
Năng suất và khả năng cạnh tranh giảm sút, cùng với chi phí lao động tăng cao đã làm xói mòn sức mạnh công nghiệp của khu vực, đặc biệt là so với Mỹ và Trung Quốc.
Để lấy lại lợi thế cạnh tranh, EU đặt mục tiêu cắt giảm bộ máy quan liêu, mở rộng đầu tư vào các công ty công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời giảm chi phí năng lượng.
Tuy nhiên, nói dễ hơn làm. Trong khi đó, một số quốc gia thành viên đã không tuân thủ các quy tắc tài khóa của khối, trong đó yêu cầu nợ công không được vượt quá 60% GDP và thâm hụt ngân sách phải duy trì dưới 3% GDP.
Hy Lạp, Italy, Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha đều có nợ công vượt quá 100% GDP, trong khi 13 quốc gia thành viên khác vượt ngưỡng 60%.
Ngoài ra, 10 quốc gia EU, bao gồm Pháp, Italy, Hungary và Romania, đã vượt quá giới hạn tỉ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP là 3% do khối này đặt ra.
Nợ công và thâm hụt ngân sách cao khiến các quốc gia này ngày càng khó phân bổ tiền cho ngành công nghiệp quốc phòng của họ.
Đồng thời, lạm phát trên khắp châu Âu vẫn ở mức cao. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt mục tiêu lạm phát 2% trong trung hạn, nhưng tỉ lệ lạm phát của Eurozone vẫn ở mức khoảng 3% trong những tháng gần đây.
Hơn nữa, kho dự trữ khí đốt tự nhiên hiện tại của EU đang dưới 50% công suất, với mức thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình. Giá khí đốt đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 2 năm do thời tiết lạnh giá và dự trữ giảm.
Cửa sổ cơ hội cho cải cách
Trong bối cảnh này, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) có trụ sở tại Washington, D.C. cho rằng đây là cửa sổ cơ hội cho EU tiến hành các cải cách.
Sự hội nhập kinh tế của các quốc gia ở châu Âu theo truyền thống phát triển dưới áp lực bên trong và bên ngoài.
Cuộc khủng hoảng đồng Euro, cuộc khủng hoảng di cư, đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, tất cả đều buộc châu Âu phải hành động nhanh chóng và đôi khi theo những cách không chính thống để cải thiện tình hình.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại cuộc họp ở Điện Elysee, ngày 17/2/2025. Ảnh: CGTN
Sự hỗn loạn toàn cầu hiện nay, một phần do mối đe dọa về thuế quan và sự xói mòn trật tự thế giới toàn cầu, có thể là chất xúc tác để châu Âu thực hiện các cải cách táo bạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực đổi mới và khả năng cạnh tranh.