Khánh Hòa: Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU

08/07/2024 16:30

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác IUU và đạt được một số kết quả tích cực.

100% tàu cá ra vào cảng đều được kiểm tra, kiểm soát

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác IUU và đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, đã ban hành Kế hoạch triển khai chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2024; ban hành hơn 80 văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU...

Công tác chỉ đạo, điều hành; thông tin tuyên truyền về chống khai thác IUU được thực hiện liên tục, hiệu quả; công tác quản lý, rà soát, cập nhật tàu cá đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy khai thác được thực hiện nghiêm túc.

Theo đó, toàn bộ 3.177/3.177 tàu cá của tỉnh đã được đăng ký (đạt 100%); 3116/3177 tàu đã được cấp phép khai thác thủy sản (đạt 98%); 648/650 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; 639/650 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá…

Bên cạnh đó, 100% tàu cá ra vào cảng đều được kiểm tra, kiểm soát; việc giám sát sản lượng hải sản qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; xử phạt các tàu cá vi phạm… được triển khai đúng quy định.

Các lực lượng chức năng (Chi cục Thủy sản, Biên phòng và các địa phương) thường xuyên phối hợp mở các đợt cao điểm để tuần tra, kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm về khai thác IUU trên các vùng biển: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực thủy sản 37,8 triệu đồng/7 trường hợp.

Triển khai quyết liệt các biện pháp chống khai thác IUU trong 2 tháng cao điểm

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Văn Hoan cho biết, công tác chống khai thác IUU của tỉnh vẫn còn một số khó khăn vì có nhiều tàu cá thường xuyên chuyển ngư trường, hoạt động tỉnh ngoài; nhiều tàu cá ngừng dịch vụ kết nối thiết bị giám sát hành trình.

Bên cạnh đó, việc triển khai công tác quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác qua phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (phần mềm eCDT) gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2023 đến nay có 3 tàu cá Khánh Hòa và 28 thuyền viên đi trên 3 tàu bị lực lượng Malaysia bắt giữ.

Ông Lê Văn Hoan cho biết, hiện nay các cơ quan, đơn vị của tỉnh tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ theo Kế hoạch triển khai chống khai thác IUU. Bộ đội Biên phòng tiếp tục xử lý triệt để các trường hợp tàu cá mất kết nối và kiên quyết không giải quyết thủ tục xuất bến cho bất kỳ tàu cá không đủ điều kiện.

Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản vận động các chủ tàu cá khẩn trương thực hiện thủ tục hành chính gia hạn giấy phép khai thác thủy sản; khẩn trương tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá "3 không" thực hiện đăng ký theo Quy định tại Thông tư số 06/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2024 của Bộ NN&PTNT.

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương ven biển triển khai quyết liệt các biện pháp chống khai thác IUU trong 2 tháng cao điểm (tháng 7 và 8), để giữ vững những kết quả đã đạt được, đảm bảo không phát sinh các hành vi vi phạm IUU trong thời gian tới.

Chú trọng các vấn đề liên quan đến tàu cá "3 không", kiểm soát chặt chẽ tàu cá thường xuyên hoạt động ở tỉnh ngoài, xác minh xử lý các trường hợp tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình.

Thực hiện quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác qua phần mềm eCDT; xây dựng chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu để duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình…

Minh Trang


Bạn đang đọc bài viết "Khánh Hòa: Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).