Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi FPT khi định giá cổ phiếu quá đắt đỏ

25/06/2024 12:04

Trong vòng chưa đầy 2 tháng kể từ đầu tháng 5, khối ngoại đã xả ròng hơn 33 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng giá trị khoảng 4.500 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy

Từ một cổ phiếu được khối ngoại săn đón suốt nhiều năm, FPT bỗng nhiên đón nhận lực bán dồn dập từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong vòng chưa đày 2 tháng kể từ đầu tháng 5, khối ngoại đã xả ròng hơn 33 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng giá trị khoảng 4.500 tỷ đồng. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này.

Trong quá khứ, từng có thời điểm nhà đầu tư nước ngoài phải chấp nhận mức trả chênh đến hàng chục % so với giá trên sàn để sở hữu cổ phiếu này. Chỉ vài tháng trước, FPT vẫn còn xuất hiện nhiều giao dịch thoả thuận giữa các nhà đầu tư nước ngoài tại mức giá trần. Tình hình đã thay đổi khi cổ phiếu này không còn quá hấp dẫn với khối ngoại.

Tính đến ngày 24/6, room ngoại tại FPT hiện đã hở hơn 26 triệu đơn vị, tương đương khoảng 1,8%. Con số này nhiều khả năng sẽ còn tăng lên khi đà bán ròng của khối ngoại trên cổ phiếu công nghệ này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Động thái chốt lời mạnh tay của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu FPT liên tục tăng nóng thời gian qua.

Sau thời gian miệt mài đi lên, cổ phiếu FPT lập đỉnh mới vào ngày 21/6 tại mức 136.100 đồng/cp (đã điều chỉnh) trước khi quay đầu giảm mạnh 2 phiên liên tiếp. FPT hiện đang giao dịch quanh mức 130.000 đồng/cp, vẫn cao hơn 55% so với đầu năm. Giá trị vốn hóa thị trường tương ứng ở mức 190.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi FPT khi định giá cổ phiếu quá đắt đỏ - Ảnh 1

Đà tăng nóng đẩy định giá của FPT lên cao ngất ngưởng với P/E trượt 4 quý lên đến 28 lần, cao hơn rất nhiều so với P/E của VN-Index khoảng 15 lần. Mặc dù con số này không phải quá cao nếu nhìn sang Microsoft hay NVIDIA nhưng rõ ràng vị thế của FPT là không thể so sánh với các “bigtech” của thế giới.

Ứng trước tương lai

Theo báo cáo về ngành chip bán dẫn của VNDirect hồi cuối tháng 5, giá cổ phiếu FPT đã tăng vọt từ khi tin tức về mối quan hệ hợp tác với NVIDIA xuất hiện, với mức P/E 25,5x, cao nhất mọi thời đại. Thị trường đang phản ứng tích cực với câu chuyện bán dẫn, đặc biệt là khi các cổ phiếu liên quan đến chip bán dẫn đã được định giá lại mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Trên toàn cầu, VNDirect đánh giá P/E của SOX (Chỉ số Bán dẫn Philadelphia) vượt trội so với thị trường cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư và niềm tin vào câu chuyện bán dẫn. P/E của NVIDIA cũng đã tăng đáng kể trong năm 2023 do niềm tin của thị trường vào triển vọng tương lai của hãng, được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư chiến lược vào các ứng dụng hỗ trợ AI vượt xa chip bán dẫn.

“Mặc dù đóng góp trực tiếp của bán dẫn hiện tại vào kết quả tài chính của FPT có thể không đáng kể, nhưng thị trường có thể sẵn sàng trả FPT một mức giá cao hơn và chờ đợi một câu chuyện xa hơn”, báo cáo của VNDirect nhận định. Điều này có thể hiểu một cách đơn giản là các cổ phiếu công nghệ như FPT đang ứng trước tương lai dù mức độ tác động đến kết quả kinh doanh từ câu chuyện chip bán dẫn, AI có thể phải xem xét thêm.

Nhìn chung, mức định giá hiện nay của FPT là tương đối đắt đỏ so với khả năng tăng trưởng khó đột phá của doanh nghiệp này. Thực tế, từ khi tái cấu trúc lại tập đoàn năm 2018, lợi nhuận của FPT vẫn tăng trưởng đều đặn nhưng chỉ ở quanh mức 20% mỗi năm. Đây là một thành tích đáng nể với một doanh nghiệp Việt Nam nhưng có lẽ chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 5 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 39% kế hoạch doanh thu và 40% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi FPT khi định giá cổ phiếu quá đắt đỏ - Ảnh 2

Đánh giá về FPT, báo cáo phân tích của MBS hồi đầu tháng 6 cho rằng, tiềm năng đến từ các thoả thuận M&A thành công với các công ty công nghệ nước ngoài và doanh thu dịch vụ CNTT ký mới cao hơn dự kiến. Mặt khác, rủi ro là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty viễn thông tích hợp cung cấp cả dịch vụ băng thông rộng có dây và di động trong thời đại phát triển công nghệ mạng 5G.

 

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Quản lý) vừa có văn bản gửi Trường Đại học FPT về dự án Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ Đại học FPT trong Khu Công nghệ cao (thành phố Thủ Đức).

Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý đánh giá việc đào tạo bậc đại học chiếm 99,09% là không đúng mục tiêu được cấp tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Đầu tư năm 2020: “Nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của luật này, pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, phòng cháy và chữa cháy, quy định khác của pháp luật có liên quan, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư”.

Bạn đang đọc bài viết "Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi FPT khi định giá cổ phiếu quá đắt đỏ" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).