
Nhân dịp này, Đại sứ Armenia tại Việt Nam Suren Baghdasaryan đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về chuyến thăm và quan hệ hợp tác hai nước, nhất là trên kênh Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia. Theo Đại sứ, chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ giữa hai nước?
Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của đoàn đại biểu do Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan dẫn đầu vào tháng 11 năm 2024, chuyến thăm Armenia của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa quan trọng đối với mối quan hệ song phương Armenia và Việt Nam. Đây là biểu tượng cho việc tăng cường quan hệ ngoại giao và hợp tác chính trị, kinh tế giữa hai quốc gia.
Chuyến thăm này cũng phản ánh cam kết của cả hai nước trong việc tăng cường hiểu biết và hợp tác lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn ở mọi cấp độ.
Chúng tôi mong muốn tiến tới củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác và đối thoại chính trị trong các lĩnh vực quan trọng như công nghiệp công nghệ cao, thương mại, trao đổi giáo dục và giao lưu nhân dân với Việt Nam. Việt Nam là đối tác quan trọng của Armenia trong khu vực ASEAN.
Trong 30 năm qua, Việt Nam và Armenia liên tục thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương. Theo Đại sứ, những điểm nổi bật đáng chú ý trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian gần đây là gì và tiềm năng hợp tác trong tương lai giữa hai nước?
Sau khi Armenia giành được độc lập, chúng tôi bắt đầu phát triển vững chắc quan hệ liên chính phủ với Việt Nam. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến các chuyến thăm chính thức của Tổng thống Armenia tới Việt Nam, cũng như các chuyến thăm của Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam tới Armenia. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nikol Pashinyan của chúng tôi vào năm 2019 đã củng cố thêm mối quan hệ này.
Việc mở một phái bộ ngoại giao thường trú tại Hà Nội vào năm 2013 cho thấy tầm quan trọng mà đất nước chúng tôi đặt vào quan hệ đối tác với Việt Nam.
Quan hệ hợp tác nghị viện đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta. Như đã đề cập ở trên, chuyến thăm của phái đoàn Armenia tới Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái, do Chủ tịch Quốc hội Armenia dẫn đầu đã tạo động lực mới cho đối thoại chính trị cấp cao giữa hai nước, vốn đã bị gián đoạn do các sự kiện quan trọng trong những năm gần đây, chẳng hạn như đại dịch COVID-19 và nhiều diễn biến khác nhau trong khu vực và toàn cầu. Trong chuyến thăm này, nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm đã được thảo luận.
Cần đề cập rằng trong ba thập kỷ qua, Việt Nam và Armenia liên tục thúc đẩy hợp tác hiệu quả ở cả cấp độ song phương và đa phương. Một số điểm nổi bật chính: Về quan hệ ngoại giao, cả hai nước đều duy trì mối quan hệ thân thiện và mang tính xây dựng, trao đổi các chuyến thăm và thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như Liên hợp quốc.
Trên phương diện hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước đã tăng dần, đặc biệt là Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng xuất khẩu sang Armenia, bao gồm các mặt hàng như điện tử, dệt may và nông sản. Armenia cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và nông nghiệp.
Trao đổi văn hóa và hợp tác giáo dục đã trở thành trụ cột quan trọng của mối quan hệ. Sinh viên Việt Nam đã học tập tại Armenia và ngược lại, thúc đẩy mối quan hệ giao lưu nhân dân sâu sắc hơn.
Một số các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác trong tương lai là thương mại, công nghệ cao và đầu tư. Cả hai nước có thể khám phá các lĩnh vực mới để hợp tác kinh tế, bao gồm công nghệ, năng lượng tái tạo và nông nghiệp. Vị trí chiến lược của Armenia tại khu vực Nam Kavkaz mang đến cho Việt Nam cơ hội tiếp cận các thị trường mới.
Ở lĩnh vực trao đổi văn hóa và giáo dục, hai nước có tiềm năng tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa nhân dân hai nước thông qua quan hệ đối tác giáo dục, xúc tiến du lịch và ngoại giao văn hóa.
Như Đại sứ đã nhấn mạnh, trong tổng thể quan hệ hợp tác chung giữa hai nước, hợp tác giữa hai Quốc hội luôn được duy trì, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương. Xin Đại sứ chia sẻ rõ hơn những hợp tác giữa Quốc hội hai nước trong thời gian gần đây và triển vọng hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương?
Quốc hội Armenia và Việt Nam đã thiết lập nền tảng vững chắc cho hợp tác, cả hai bên cam kết tăng cường quan hệ. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Armenia tới Việt Nam, hai bên đã thảo luận về việc mở rộng hợp tác nghị viện, bao gồm tăng cường trao đổi ở mọi cấp, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và tăng cường các cơ chế hợp tác.
Hai bên cho rằng trong khi quan hệ Quốc hội được duy trì thông qua các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), các cuộc trao đổi song phương trực tiếp vẫn khiêm tốn. Để giải quyết vấn đề này, hai bên nhất trí tăng cường các chuyến thăm lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo, cơ quan và đại biểu Quốc hội. Hai bên đã ký kết một thỏa thuận hợp tác chính thức giữa hai Quốc hội trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Armenia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn để thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho hợp tác hai bên.
Nhìn về phía trước, triển vọng hợp tác sâu rộng hơn giữa hai cơ quan lập pháp hai nước vẫn đầy hứa hẹn. Hai Quốc hội có kế hoạch tiếp tục thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau và phát triển thể chế thông qua các cuộc trao đổi lập pháp. Ngoài ra, hai bên đặt mục tiêu tạo điều kiện cho sự hợp tác rộng rãi hơn trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và giáo dục, đảm bảo rằng sự tham gia của Quốc hội góp phần vào việc tăng cường tổng thể quan hệ Armenia-Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!