Hơn 110.000 tỷ đồng trái phiếu đã được mua lại

25/07/2023 21:30

Số lượng trái phiếu phát hành mới trong quý 2/2023 vẫn giảm trong khi hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tăng mạnh, trong đó dẫn đầu là nhóm ngân hàng.

Chú thích ảnh BIDV công bố thông tin mua lại trái phiếu trước hạn có giá trị 1.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 158.500 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 80.952 tỷ đồng, chiếm 51%; theo sau là nhóm ngân hàng với 27.261 tỷ đồng, chiếm 17,2%.

Trong báo cáo mới đây về thị trường trái phiếu quý 2/2023, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được mua lại trước hạn trong quý 2/2023 đạt hơn 62.535 tỷ đồng, tăng 76,8% so quý trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tốc độ mua lại TPDN trước hạn có xu hướng tăng mạnh kể từ tháng 5.

Còn theo VBMA, tính đến ngày 30/6, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 110.448 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022). Chỉ riêng trong tháng 6, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 31.591 tỷ đồng trái phiếu.

Đáng chú ý, trong quý 2/2023, nhóm ngân hàng đã mua lại tổng cộng 39.842 tỷ đồng TPDN trước hạn, chiếm 63,7% tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn trong quý. Trong khi ở quý 1/2023 nhóm này chỉ mua lại trước hạn 330 tỷ đồng.

Theo ước tính, có 17 ngân hàng đã công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn trong quý 2/2023. Trong đó, ngân hàng TMCP Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Phương Đông đã mua lại nhiều nhất là 5.500 tỷ đồng. Tiếp đến, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam đã mua lại 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam mua lại 4.792 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam đã mua lại 4.500 tỷ đồng …

Kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng 7 cũng vừa được hàng loạt các ngân hàng công bố. Cụ thể, LPBank dự kiến mua lại lô trái phiếu có giá trị 1.000 tỷ đồng. Được biết, lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, được phát hành vào ngày 21/6/2022 tại thị trường trong nước với lãi suất 4,4%/năm.

Tương tự, ACB vừa có nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4 năm 2021. Thời gian mua lại trái phiếu là ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7. Tổng mệnh giá mua lại tối đa 10.000 tỷ đồng, giá mua thực tế bằng mệnh giá phát hành.

VietinBank mới đây thông báo việc hoàn tất mua lại trước hạn 800 tỷ đồng trái phiếu. Trái phiếu được mua lại có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn là 10 năm, ngày phát hành 13/6/2018 và ngày đáo hạn 13/6/2028. Như vậy, ngân hàng này mua lại trái phiếu trước hạn tới 4 năm.

Agribank cũng công bố sẽ thực hiện mua lại trước hạn 3 tỷ đồng trái phiếu. Người sở hữu trái phiếu có nghĩa vụ bán lại toàn bộ trái phiếu của mình cho Agribank, khi đó trái phiếu sẽ bị hủy bỏ và các giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu liên quan tới các trái phiếu sẽ tự động hết hiệu lực thi hành.

BIDV cũng thông tin mua lại trái phiếu trước hạn có giá trị 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu được mua lại có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu và có kỳ hạn 7 năm, ngày phát hành 15/6/2021 và ngày đáo hạn là 15/6/2028.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, việc các ngân hàng mua lại TPDN có thể do lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng đang giao dịch ở vùng thấp nhất kể từ tháng 5/2022. Chưa kể, việc mua lại trái phiếu cũng giúp các ngân hàng giảm tỷ trọng danh mục này so với vốn điều lệ, qua đó có thể duy trì hệ số an toàn vốn ở mức cao, đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Theo quy định hiện hành, với những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 - chiếm phần lớn là nợ thứ cấp có kỳ hạn với thời hạn gốc tối thiểu là 5 năm trở lên - sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá.

Như vậy, việc ngân hàng tìm cách mua lại trước hạn trái phiếu vừa giúp không phải khấu trừ mệnh giá, đồng thời có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm. Điều này tăng giá trị được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng nhiều hơn.

Chưa kể, theo Thông tư 03 của NHNN, từ ngày 24/4 đến 31/12, các ngân hàng được phép mua lại ngay TPDN đã bán mà không phải chờ tới 12 tháng. Theo đó, Thông tư 03 sẽ cho phép các ngân hàng chủ động, linh hoạt mua lại trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu, cũng là cách để tăng vai trò tạo lập thị trường của ngân hàng.

Bạn đang đọc bài viết "Hơn 110.000 tỷ đồng trái phiếu đã được mua lại" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).