Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội khai giảng năm học 2024 - 2025

14/09/2024 16:15

Sáng 14/9, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, trao bằng thạc sỹ, cử nhân, cao đẳng Phật học năm 2024.

Dự lễ có các chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Công an nhân dân, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, một số cơ quan, ban, ngành.

Đầu buổi lễ, các chức sắc tôn giáo, đại biểu và tăng ni sinh đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong cơn bão số 3, đồng thời, tham gia quyên góp ủng hộ đồng bào phía Bắc khắc phục hậu quả của bão số 3.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức Lễ khai giảng năm nay không nhận hoa chúc mừng, dành nguồn kinh phí đó để cùng chung tay ủng hộ đồng bào khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 3, với ý nghĩa "Lễ khai giảng – Tấm lòng Vàng", mang lại sự ấm áp tình người trong mùa bão lũ.
 
Trước đó, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành Học viện, đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Nam, Sơn La đã chuyển 300 triệu đồng tới Ban Vận động Cứu trợ Trung ương; hỗ trợ bằng tiền và hiện vật hàng trăm triệu đồng cho bà con các địa phương bị ảnh hưởng do bão như Sóc Sơn (Hà Nội), Quảng Ninh, Hà Nam…

Thông tin về kết quả đào tạo của Học viện, Giáo sư Lương Gia Tĩnh, Phó Viện trưởng cho biết, từ 43 vị cử nhân khóa đầu tiên, đến nay, hơn 40 năm trưởng thành, phát triển, Học viện đã cấp bằng cho 1.800 cử nhân Phật học, 34 thạc sỹ và 1 tiến sỹ. Hiện học viện có 790 tăng ni sinh và học viên học theo 3 cấp với 4 hệ giáo dục đào tạo (liên thông, cao đẳng, cử nhân và sau đại học). Tổng số khối cử nhân và cao đẳng, liên thông gồm 465 vị và có 325 vị sau đại học (280 học viên cao học, 45 nghiên cứu sinh Tiến sỹ).

Mục tiêu của Học viện là đào tạo ra thế hệ tăng ni trẻ có đủ trí tuệ, phẩm hạnh để có thể trở thành một học giả, một hành giả phục vụ đạo pháp, dân tộc. Phương châm giáo dục của Học viện là học để tu, tu để học.

Do tính đặc thù của Phật giáo phía Bắc, đội ngũ giảng sư của Học viện chủ yếu là kiêm nhiệm và thỉnh giảng. Giảng sư thỉnh giảng là chư tôn đức – trí thức Phật giáo có uy vọng trong nước, các nhà khoa học thuộc các cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu có uy tín trong nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Hán Nôm,  Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh…

Trên cơ sở chương trình giáo dục đào tạo cử nhân Phật học và quy trình đào tạo, mô hình, kết cấu chương trình đào tạo sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện xây dựng chương trình đào tạo cho hệ sau đại học phù hợp theo hướng mũi nhọn chuyên sâu của chuyên ngành Phật học.

Theo Giáo sư Lương Gia Tĩnh, Phật học là lĩnh vực tôn giáo – khoa học mà muốn tiếp cận, đòi hỏi phải có kiến thức đa – liên ngành sâu sắc. Hội đồng khoa học của Học viện có chức năng định hướng và hoạch định chương trình đào tạo – nghiên cứu. Với uy tín cá nhân Lãnh đạo Học viện và sự hấp dẫn của bản thân khoa học Phật học và Phật giáo, Hội đồng khoa học của Học viện đã hội tụ những tinh hoa tri thức, là chư tôn đức – trí thức Phật học, những nhà khoa học đầu ngành thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong nước.

Học viện xác định, giáo dục – đào tạo không thể tách rời công tác nghiên cứu khoa học, do vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được chư tôn lãnh đạo quan tâm. Học viện đã và đang là địa chỉ tin cậy trong việc chủ trì hoặc liên kết với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các viện, trường đại học thực hiện thành công các đề tài, hội thảo hoặc tọa đàm khoa học cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.

Học viện đã kết hợp với Học viện Chính trị Công an nhân dân thực hiện Hội thảo khoa học với chủ đề Phật giáo với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (8/2023); kết hợp với Viện Trần Nhân Tông và Đại học Luật (thuộc Đại học Quốc gia – Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học Phật giáo và quyền con người (4/2024). Cuối năm nay, Học viện sẽ phối hợp với Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế tư tưởng Phật giáo Bắc truyền và ảnh hưởng đến Việt Nam; phối hợp với Viện Tín ngưỡng và tôn giáo (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo với chủ đề Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Nguồn lực để phát triển Giáo hội và xã hội.

Việc hành trì tu tập là một mặt không thể thiếu trong quy trình giáo dục - đào tạo của Học viện. Học viên bắt buộc nội trú 100% thời gian, ngoài thời gian học trên giảng đường phải tuân thủ nội quy học đường, học viên phải thực hành nghiêm túc giới luật của người tu sĩ Phật giáo (tùy theo giới phẩm của mỗi người), có sự giám sát chặt chẽ của Quản chúng.

Học viện quản lý tăng ni sinh theo mô hình tự quản, có định hướng, giám sát và kiểm tra. Qua đó, hình thành tập quán và phát triển ý thức tự giác - tự trọng - tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân trước chính mình và tập thể, để tự chuyển hóa thân – tâm theo hướng tích cực. Đó cũng là một phương thức tu trong môi trường nội trú tại Học viện.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành Học viện đã gióng trống khai giảng năm học 2024 - 2025. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao học bổng Đức Nhuận tặng nhà trường.

Cũng tại buổi lễ, Học viện công nhận học vị và cấp bằng thạc sỹ cho 2 học viên hoàn thành chương trình đào tạo ngành Phật học; công nhận kết quả tốt nghiệp hệ cử nhân Phật học, lớp hệ liên thông khóa 3 cho 27 vị; lớp cao đẳng Phật học khóa 6 niên khóa 2020 -2024 đối với 10 vị và tặng bằng khen cho 8 tăng ni sinh.

Bạn đang đọc bài viết "Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội khai giảng năm học 2024 - 2025" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).