Học sinh tự tin tranh biện bằng tiếng Anh về các vấn đề xã hội

12/04/2025 20:30

Những “nhà hùng biện nhí” từ khắp cả nước đã tự tin thể hiện quan điểm của mình bằng tiếng Anh về các vấn đề xã hội như biến đổi khí hậu, bạo lực học đường và sức khỏe cộng đồng.

Chiều nay (12/4), iSMART Education (thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest) đã tổ chức vòng Chung kết và lễ vinh danh trao giải cuộc thi iSMART English Champion 2025 tại 2 điểm cầu Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh.

Với chủ đề "Let's Talk", chương trình năm nay không chỉ là một sân chơi ngôn ngữ, mà còn là diễn đàn để thế hệ học sinh thể hiện chính kiến cá nhân bằng tiếng Anh về những vấn đề xã hội quan trọng như biến đổi khí hậu, bạo lực học đường và sức khỏe cộng đồng.

Khởi động từ tháng 12/2024, cuộc thi thu hút hơn 82.000 học sinh từ lớp 3 đến lớp 8 trên toàn quốc - con số kỷ lục trong hành trình 10 năm tổ chức. Chủ đề "Let's Talk" mở ra cơ hội để học sinh không chỉ phát triển năng lực ngôn ngữ mà còn rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng trình bày, khả năng làm việc nhóm và tinh thần công dân toàn cầu - những hành trang thiết yếu của thế kỷ 21.

Học sinh tự tin tranh biện bằng tiếng Anh về các vấn đề xã hội - Ảnh 1.

Các thí sinh chuẩn bị phần dự thi của mình.

Đánh giá về cuộc thi, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ: "iSMART English Champion không đơn thuần là một cuộc thi học thuật, mà là nơi các em học sinh thực sự được nói lên suy nghĩ, quan điểm cá nhân của mình bằng tiếng Anh - ngôn ngữ của công dân toàn cầu. Đây là hành trang quý giá giúp các em tự tin bước ra thế giới".

SGK chương trình mới thay đổi cách học tiếng Anh của học sinh ViệtĐổi mới SGK tiếng Anh: Học sinh là trung tâm, giao tiếp là chìa khóa

Phát biểu tại sự kiện, ông David Armstrong – Phó Chủ tịch HĐQT tập đoàn EQuest bày tỏ: "Chủ đề "Let's Talk" của năm nay mang một thông điệp mạnh mẽ. Cuộc thi không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra năng lực ngôn ngữ. Quan trọng hơn, iSMART Education muốn khuyến khích các em dám cất lên tiếng nói, dùng tiếng Anh như một công cụ để bày tỏ quan điểm về những vấn đề thiết thực quanh mình – từ môi trường, sức khỏe cộng đồng đến các vấn đề nóng của xã hội".

Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Lê Thị Hồng Ngọc – Phụ huynh có con tại đội thi bảng A, khu vực phía Bắc cho biết: "Gia đình đã đồng hành và cho con tiếp cận với tiếng Anh khi cháu mới lên 4 tuổi, việc tham gia các cuộc thi là một trong những phương pháp để tôi rèn luyện con năng lực ngoại ngữ".

Học sinh tự tin tranh biện bằng tiếng Anh về các vấn đề xã hội - Ảnh 2.

Chủ đề thuyết trình là các vấn đề nóng của xã hội.

Vị phụ huynh này cho rằng không chỉ dừng lại ở kiến thức hàn lâm, thông qua sân chơi này học sinh sẽ được rèn luyện sự tự tin, xử lý tình huống trên sân khấu, cách làm việc đội nhóm và bày tỏ quan điểm trước một vấn đề của xã hội.

Năm nay, tại vòng chung kết, 24 thí sinh xuất sắc đại diện cho các khu vực đã tranh tài theo hình thức thuyết trình nhóm. Các đội thi lần lượt trình bày và tranh biện trực tiếp bằng tiếng Anh về những chủ đề mang tính thời sự, thể hiện góc nhìn sâu sắc và khả năng lập luận logic.

Sau những phần tranh tài kịch tính, cuộc thi đã vinh danh các đội thi xuất sắc với các danh hiệu Quán quân, Á quân cùng những giải thưởng chuyên sâu như: Innovative Thinker - Thí sinh có tư duy sáng tạo, độc đáo và Global Insight - Thí sinh có cái nhìn toàn diện về các vấn đề toàn cầu. Những giải thưởng này không chỉ là sự ghi nhận về năng lực ngôn ngữ, mà còn là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng hội nhập của thế hệ học sinh Việt Nam hiện đại.

Bạn đang đọc bài viết "Học sinh tự tin tranh biện bằng tiếng Anh về các vấn đề xã hội" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).