Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ

08/08/2024 17:00

Song song với những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế, thời gian qua hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ đang được các địa phương tích cực đầu tư với tổng số vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Hệ thống cơ sở cảng biển luôn được quan tâm đặc biệt với tính chất là cầu nối kinh tế giữa các địa phương, khu vực cũng như là tiền đề mở toang cánh cửa vươn ra thế giới.

Nhiều năm qua, khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh kéo dài từ Thừa Thiên - Huế (TT.Huế) tới Thanh Hóa được đánh giá là một trong những khu vực kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức khoảng 10%/năm, là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao của cả nước. 

Để tiếp tục phát huy những thành quả, các địa phương tại khu vực Bắc Trung Bộ đang tiếp tục tích cực thu hút lượng vốn lớn phục vụ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối khu vực. Trong đó, có hệ thống cơ sở cảng biển.

Cơ bản hoàn thành các cảng "chiến lược" 

Đầu tiên tại khu vực Bắc Trung Bộ phải kể tới hệ thống Cảng biển Nghi Sơn Thanh Hóa. Nhiều năm qua, Cảng Nghi Sơn Thanh Hóa được biết tới là một trong những cảng biển được đầu tư bài bản, mang tầm chiến lược phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn và khu vực lân cận. 

Cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã được xác định là cảng loại I, được quy hoạch thành cảng biển đặc biệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Trên cơ sở đó, Cảng Nghi Sơn được quy hoạch mở rộng với 64 bến (12 bến container, 20 bến tổng hợp, còn lại là các bến chuyên dụng), hiện 21 bến đã đi vào hoạt động với khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 - 100.000DWT, năng lực xếp dỡ hàng trăm triệu tấn/năm. 

Hiện tại, Cảng Nghi Sơn đã triển khai và hoàn thành trên diện tích 33ha; 6 cầu cảng (số 1, 2, 2A, 3, 4, 5) đang được khai thác với tổng chiều dài 1.397m, có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp tải trọng đến 70.000 DWT giảm tải, chở hàng container tải trọng đến 30.000 DWT, tàu chở hàng lỏng đến 70.000 DWT. Tính đến tháng 7/2023 đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện, Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ- Ảnh 1.

Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa. (Nguồn ảnh: ALS Logistics).

Theo thống kê, với các dự án đã và dự kiến triển khai thì để hiện thực quy hoạch, có thể cần ít nhất khoảng 40.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng Cảng Nghi Sơn cho các mục tiêu đề ra để thúc đẩy hoàn thiện cảng chiến lược này cho cực phía Bắc của khu vực Bắc miền Trung.

Tiếp đó, nằm vị trí giữa khu vực Bắc Trung bộ, dọc theo tuyến cao tốc Bắc - Nam vừa đưa vào sử dụng, là sự hiện diện của Cảng Vũng Áng - Hà Tĩnh. Đây được quy hoạch là cửa khẩu quốc tế đường biển với vị trí đắc địa gần đường hàng hải quốc tế và có thể kết nối thuận lợi với các tuyến giao thông quan trọng của Việt Nam. 

Cảng Vũng Áng (bao gồm bến số 1, 2, 3) và Cảng Xuân Hải có năng lực khai thác lên đến 6-8 triệu tấn hàng mỗi năm. Với hệ thống kho bãi, đê chắn sóng, thiết bị chuyên dụng hiện đại, phục vụ giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế, du lịch cho vùng hậu phương gồm các tỉnh miền Trung, nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp lên đến 61.671 DWT.

Hiện tại, hoạt động kinh tế của cảng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ngành gang thép, nhiệt điện và xăng dầu. Thời gian tới, Cảng Vũng Áng tích cực thu hút đầu tư và phát triển hệ thống cảng biển tổng hợp cũng như dịch vụ logistics, đưa Hà Tĩnh trở thành trọng điểm về vận tải cảng biển.

Mới đây, Ban Quản lý dự án Hàng hải vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình đê chắn sóng cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh giai đoạn 2, bao gồm hệ thống đê chắn sóng giai đoạn 2 và cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Vũng Áng cho tàu đến 50.000DWT. Vốn đầu tư khoảng 940 tỷ đồng.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ- Ảnh 2.

Cảng Vũng Áng (Nguồn ảnh: internet).

Tại cuối khu vực Bắc Trung Bộ, cách Hà Tĩnh hơn 300km về phía Nam là hệ thống Cảng Chân Mây, TT.Huế. Mặc dù quy hoạch có khiêm tốn hơn so với 2 hệ thống cảng kể trên, nhưng Cảng Chân Mây vẫn được xem là cảng chiến lược với nhiều lợi thế riêng, giúp kết nối tại khu vực phía Nam của Bắc Trung Bộ. 

Theo đó, Cảng Chân Mây có vị trí chiến lược nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Đà Nẵng và Huế. Đây là cửa ngõ hướng ra biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, đây là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Myanmar và Đông Bắc Thái Lan. Bên cạnh đó, Cảng Chân Mây cũng là cảng chính giữa con đường biển kết nối Philippines, Singapore và Hong Kong. 

Cảng Chân Mây có diện tích bến cảng khoảng 30ha. Đến nay, đã đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m. Lượng hàng hoá qua cảng ngày càng tăng, năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4-4,5 triệu tấn.

Trong đó, tuyến bến phía biển dài đến 360m, độ sâu -12,5m. Mang đến khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 50.000DWT và các tàu du lịch quốc tế cỡ lớn có chiều dài từ 362m đến 225.282GT. Hệ thống kho bãi hiện đại rộng lớn với tổng diện tích 12830m2 được xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng cao.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ- Ảnh 3.

Cảng Chân Mây (Nguồn ảnh: internet).

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Thừa Thiên - Huế được xác định là cảng biển loại I. Lượng vốn dự kiến huy động hàng nghìn tỷ đồng.

Hiện tại, Cảng Chân Mây cùng với Nghi Sơn Thanh Hóa và Vũng Áng Hà Tĩnh tạo ra "tam giác" bến cảng chiến lược phân bổ dọc đều theo tuyến cao tốc đang đang sớm hoàn thiện tại khu vực Bắc Trung Bộ.  

Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới cảng biển tại khu vực Bắc Trung Bộ

Những năm qua, Nghệ An là điểm sáng thu hút FDI tại khu vực Bắc miền Trung với hàng tỷ USD thu hút được mỗi năm. Vì vậy, nhằm tranh thủ và tiếp tục duy trì lợi thế thu hút đầu tư, trong tháng 7 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương điều chỉnh Dự án Xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò. 

Theo đó, Cảng Cửa Lò có quy mô xây dựng 3 bến cập tàu (trong đó 2 bến cho tàu đến 50.000 DWT và 1 bến cho tàu 100.000 DWT), với tổng chiều dài toàn bến là 800m, cùng với khu hậu phương cảng có diện tích 32ha. 

Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án hơn 7.324 tỷ đồng. Phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: Vốn đầu tư giai đoạn 1 (2024 -2028) là 5.250,804 tỷ đồng; vốn đầu tư giai đoạn 2 (2029 -2030) là 2.074,152 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ Quý II/2024 đến Quý IV/2024. 

Dự án trên được kỳ vọng là cú hích, tiếp tục thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn Nghệ An là điểm dừng chân để "làm tổ" trong thời gian sắp tới. 

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ- Ảnh 4.

Cảng Cửa Lò (Nguồn ảnh: ALS Logistics).

Ngoài ra, các địa phương còn lại như Quảng Bình cũng đã và đang tiến hành nâng cấp và mở rộng hệ thống cảng biển sẵn có với Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La có tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn đầu tư, gồm: Giai đoạn 1 dự kiến thực hiện từ 2022-2024, với kinh phí đầu tư gần 940 tỷ đồng; giai đoạn 2 dự kiến năm 2025-2026, với kinh phí hơn 1.170 tỷ đồng. 

Không chịu kém cạnh, đầu năm nay, Quảng Trị đã tổ chức lễ triển khai thi công Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy với mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh khu bến cảng chuyên dùng, phục vụ cho các cơ sở công nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; kết hợp thu hút lượng hàng hóa quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây; bảo đảm tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn. 

Dự án có tổng quy mô sử dụng đất, mặt nước khoảng 685 ha, gồm 10 bến, phát triển theo 3 giai đoạn. Tổng vốn đầu tư dự án 14.234 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Như vậy, tính tới năm 2030 hầu như các bến cảng tại khu vực này đều được đầu tư để có thể đón được các tàu trên 50.000 DWT trở lên. Với quyết tâm dồn lực, đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, đã giúp khu vực Bắc miền Trung ngày càng hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về vai trò và mối liên hệ mật thiết giữa cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, theo trung tâm xúc tiến Đầu tư miền Trung, thuộc Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch đầu tư) thì khu vực miền Trung và Bắc Trung Bộ nói riêng có bờ biển trải dài với điều kiện tự nhiên thuận lợi xây dựng cảng nước sâu và đặc biệt, gần các tuyến hàng hải, vận tải biển quốc tế. 

Khu vực này là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), dài 1.450 km nối từ Myanmar qua Thái Lan và Lào, cửa ngõ quan trọng ra biển Đông của các quốc gia tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Thuận lợi để phát triển một số ngành kinh tế biển có thể tạo động lực cho sự phát triển của khu vực như dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, dịch vụ logistics (gồm cả trung chuyển tại sân bay và cảng biển), đầu tư kinh doanh các resort, khu du lịch - dịch vụ cao cấp ven biển… 

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ- Ảnh 5.

Khu vực Bắc Trung Bộ là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC). (Ảnh: Trung tâm xúc tiến Đầu tư miền Trung, Bộ Kế hoạch Đầu tư).

Đồng thời, khu vực này hiện cũng có cơ chế mở, thủ tục đầu tư rất thông thoáng với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội về thời gian và giá thuê đất, cơ sở hạ tầng, thuế, hỗ trợ đào tạo, cung ứng lao động và nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Hiện, miền Trung có hệ thống đô thị đang phát triển nhanh với các thành phố lớn, hàng loạt Khu kinh tế trọng điểm của cả nước,…và gần 50 Khu công nghiệp. Vì vậy, việc cơ sở hạ tầng đang được nâng cấp và hoàn thiện, nhất là cơ sở hạ tầng các cảng biển là tiền đề, khi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. 

Bắt đầu hái quả ngọt

Theo tìm hiểu từ Người Đưa Tin, tại Cảng Nghi Sơn là bến cảng tâm điểm của Khu Kinh tế Nghi Sơn, từ một khu vực đầm lầy heo hút, sau hàng chục năm kiên trì đầu tư, tới nay, lượng hàng hóa qua cảng này đạt hơn 45 triệu tấn/năm 2023 và đóng góp gần 20.000 tỷ đồng thu Ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng, mặc dù vẫn chưa hoạt động hết công suất.

Nhận thức được vai trò đầu tư thu hút tạo sân chơi cho các doanh nghiệp về đầu tư, mở tờ khai qua cảng cùng các hãng tàu mở hải trình cập cảng, những năm qua Thanh Hóa đã tích cực kiên trì thực hiện nhiều phương án nhằm thu hút các hãng tàu "cập bến", đặt tuyến hải trình với các hỗ trợ hấp dân. 

Cụ thể, Thanh Hóa hỗ trợ 500 triệu đồng/chuyến tàu vận chuyển container đi quốc tế; hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet qua Cảng Nghi Sơn và mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa. Tổng kinh phí thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND trong năm 2023 là khoảng 40 tỷ đồng.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ- Ảnh 6.

Bến Cảng Nghi Sơn Thanh Hóa.

Tương tự, các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh trong năm 2023 cũng đã ban hành nhiều Nghị Quyết nhằm hỗ trợ các chuyến hàng qua cảng và các hãng tàu mở tuyến tại địa phương và bắt đầu thu hút được các đơn vị logistics đặt cơ sở hoặc tham khảo mở tuyến.

Với những quyết tâm cao, tới nay hoạt động đầu tư đồng bộ hệ thống bến cảng tại khu vực Bắc trung Bộ đã bắt đầu cho thấy hiệu quả. Tại Cảng Nghi Sơn Thanh Hóa, tới nay đã thu hút được 2 hãng tàu lớn mang tầm vóc quốc tế tới mở tuyến vận tải biển vận chuyển hàng hóa bằng container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn. Trong đó, năm 2023, hãng tàu VIMC được 2 chuyến; Công ty CP CMA - CGM Việt Nam được 17 chuyến. Tổng số container xuất, nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn là 6.603 cont.

Còn tại khu vực Bắc Trung Bộ, theo thống kê, thời điểm năm 2011, lượng hàng hóa của các cảng Bắc Trung Bộ cộng lại chỉ khoảng hơn 1/3 cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, tới năm 2023 tổng lượng hàng hóa qua cảng khu vực này đang ngày càng được rút ngắn với khoảng 70 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, bằng khoảng 80% tổng lượng hàng hóa qua Cảng Hải Phòng năm 2023. 

Góp ý về việc đầu tư hạ tầng, giảm chi phí logistics, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) trả lời báo chí cho rằng, ngoài ưu tiên đầu tư đường sắt Bắc - Nam, cũng cần khơi thông các hệ thống vận tải thủy, phát triển vận tải đường biển. Bởi, xét về tổng thể vận tải khối lượng lớn như đường sắt, đường biển vừa an toàn, vừa rẻ mang lại hiệu quả hơn so với đường bộ giảm chi phí logistics.

Trong tháng 3/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và địa phương đã thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp tăng cường kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, các phương thức vận tải, cơ sở dịch vụ logistics,… tuy nhiên, các địa phương cũng phải tính tới việc không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả, lãng phí nguồn lực, giảm sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hoá từ 1.330 đến 1.612 triệu tấn (tăng khoảng 190 triệu tấn), hành khách từ 17,4 đến 18,8 triệu lượt (tăng 7,3-8,5 triệu lượt). Lượng hàng trung chuyển container quốc tế dự kiến khoảng 4,1 triệu TEU. Đến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu hàng hoá với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 4,2 đến 4,8%/năm (tăng từ 0,2-0,3%).
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỷ đồng, tăng 38.500 tỷ đồng.

Việt Phương


Bạn đang đọc bài viết "Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).