Hiện tại, Hải Phòng có tổng cộng 4.170 căn hộ tại 12 chung cư được xây dựng theo chương trình cải tạo chung cư cũ từ năm 1994 đến 2025. Các chung cư này chủ yếu phục vụ mục đích tái định cư, cung cấp nơi ở cho các hộ dân di dời từ các chung cư cũ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn; phục vụ cho các hộ dân phải di dời để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của thành phố.
Các chung cư thuộc diện áp dụng chính sách bán nhà cho các hộ dân đang thuê nhà hiện nay bao gồm: U19 Lam Sơn, 5 tầng Khúc Thừa Dụ, 5 tầng Kênh Dương, 7 tầng Vĩnh Niệm, 5 tầng Cát Bi, N1-N2 Lê Lợi, Đ2-HH1-HH2-HH3-HH4 Đổng Quốc Bình, 9 tầng Đông Khê, Lô 27 Lê Hồng Phong, và 75 Lý Thánh Tông.
Theo đề xuất, các hộ dân hiện đang thuê nhà tại các chung cư này và có tên trong hợp đồng thuê nhà ký với cơ quan có thẩm quyền, sẽ được phép mua lại căn hộ mà họ đang ở. Đây là giải pháp nhằm tạo cơ hội cho các hộ dân sở hữu nhà ở lâu dài thay vì chỉ thuê.
Nhiều hộ gia đình hiện đang thuê nhà có nguyện vọng được mua lại căn hộ để có thể sở hữu nhà lâu dài, tạo nền tảng vững chắc cho cuộc sống. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, pháp luật về nhà ở chỉ cho phép bán các nhà thuộc tài sản công hình thành trước năm 1994, mà chưa có cơ chế cho phép bán nhà ở thuộc tài sản công được xây dựng từ năm 1994 trở đi.
Theo đánh giá, việc thí điểm cơ chế được bán nhà ở cho các hộ dân đang thuê chung cư thuộc tài sản công nhằm tạo điều kiện cho các hộ được sở hữu nhà ở, ổn định cuộc sống lâu dài. Tạo nguồn thu đáng kể từ việc bán nhà ở, góp phần vào nguồn lực tài chính tái đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng và dịch vụ công.
Đồng thời, chuyển đổi hình thức quản lý từ cho thuê sang sở hữu, giải quyết các trường hợp đã bố trí tái định cư vào các tòa chung cư.
Chính vì vậy, TP Hải Phòng đề xuất được bán nhà ở cho các hộ dân có tên trong hợp đồng thuê nhà ở chung cư thuộc tài sản công hình thành từ sau năm 1994 đến 2025 để thu về khoảng 4.500 tỷ đồng. Dự kiến, số tiền này cũng sẽ tạo ra một nguồn ngân sách lớn cho thành phố để tái đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, giáo dục, y tế và dịch vụ công cộng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Ngoài ra, chính sách này cũng có thể giúp giảm bớt chi phí duy trì tài sản công và chuyển đổi hình thức quản lý từ cho thuê sang sở hữu, giúp giải quyết các trường hợp đã được tái định cư vào các tòa chung cư. Điều này không chỉ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách thành phố mà còn tạo ra công bằng xã hội khi người dân có cơ hội sở hữu nhà ở thay vì chỉ phụ thuộc vào việc thuê nhà.