Góc nhìn Người Đưa Tin: Những sự kiện nổi bật ngành Ngân hàng năm 2024

24/12/2024 17:00

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành Ngân hàng vẫn kết thúc năm 2024 với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Người Đưa Tin điểm lại những sự kiện nổi bật trong năm qua.

Luật Các Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7/2024

Luật Các Tổ chức tín dụng (Luật các TCTD) sửa đổi được Quốc hội thông qua vào ngày 18/1/2024, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho hệ thống tài chính – ngân hàng tại Việt Nam.

Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với nhiều điểm mới như: giảm tỉ lệ sở hữu tối đa, quy định các tổ chức tín dụng không được gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức… giúp giảm tình trạng sở hữu chéo, hạn chế việc bảo hiểm liên kết với ngân hàng để ép buộc người vay tiền.

Giá vàng lên cao kỷ lục, NHNN thực hiện loạt giải pháp bình ổn

Từ tháng 4/2024, trước xu hướng tăng mạnh của giá vàng thế giới, dư luận quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối.

NHNN đã tổ chức tổng cộng 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng (tương đương khoảng 1,82 tấn). Tuy nhiên, sau 9 phiên can thiệp theo phương thức đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới vẫn ở mức cao.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những sự kiện nổi bật ngành Ngân hàng năm 2024- Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nhiều biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường vàng.

Để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, NHNN chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp. NHNN lựa chọn 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC.

Kết quả, từ ngày 3/6 đến 29/10/2024, NHNN đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng).

Kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, còn chênh khoảng 3-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5%-7%).

Thông tư 17, 18 và Quyết định 2345 về xác thực sinh trắc học

Từ 1/7/2024, Ngân hàng Nhà nước quy định việc xác thực sinh trắc học lần đầu là bắt buộc nếu khách hàng muốn chuyển tiền trực tuyến từ 10 triệu đồng một lần trở lên hoặc 20 triệu đồng trong ngày, theo Quyết định 2345.

Theo NHNN, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện, có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công và số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những sự kiện nổi bật ngành Ngân hàng năm 2024- Ảnh 2.

NHNN triển khai xác thực sinh trắc học khi chuyển khoản để đảm bảo an toàn giao dịch.

Ngoài ra, Thông tư 17/2024/TT-NHNN (Thông tư 17) và Thông tư 18/2024/TT-NHNN (Thông tư 18) ban hành ngày 28/6/2024 cũng yêu cầu các tổ chức tài chính phải kiểm tra tính hiệu lực của giấy tờ tùy thân, xác thực thông tin sinh trắc học và cập nhật thông tin cư trú của khách hàng.

Theo đó, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng sẽ không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến và giao dịch chuyển/rút tiền bằng mã QR tại ATM nếu rơi vào tình trạng: chưa hoàn thành đổi số đối chiếu giấy khai báo và thông tin sinh trắc học đúng; chưa cập nhật tiện ích bổ sung thông tin mới thay thế cho giấy tờ tùy thân đã hết hiệu lực.

Chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng "0 đồng"

Ngày 17/10, hai ngân hàng 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CBBank) được chuyển giao bắt buộc cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ngân hàng Đại dương (OceanBank) được chuyển giao cho Ngân hàng Quân đội (MB).

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CBBank và OceanBank sẽ là các NHTM TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.

Ngày 18/12, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) chính thức đổi tên thành Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Việt Nam Hiện Đại. Tên tiếng Anh là Modern Bank of Vietnam Limited (viết tắt: MBV).

Cùng với việc đổi tên, MBV đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo với những nhân sự cấp cao có chuyên môn và kinh nghiệm trong ngành tài chính – ngân hàng.

Gói 120.000 tỷ đồng cho vay NOXH tăng lên 145.000 tỷ đồng

Theo NHNN, đã trong năm 2024, đã có thêm 5 ngân hàng thương mại cổ phần tham gia vào gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nâng tổng gói tín dụng lên 145.000 tỷ đồng.

9 ngân hàng tham gia bao gồm nhóm ngân hàng quốc doanh Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng. Thêm vào đó là 5 ngân hàng thương mại cổ phần còn lại, mỗi ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng là HDBank, MB, VPBank, Techcombank, TPBank.

Mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại áp dụng đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án ở mức 7%/năm và đối với khách hàng là người mua nhà tại dự án ở mức 6,5%/năm (áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024).

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% 

Ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho các TCTD khoảng 15% đề ra tại Chỉ thị số 01 ngày 15/1/2024.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những sự kiện nổi bật ngành Ngân hàng năm 2024- Ảnh 3.

Tính đến 13/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023.

Trong năm 2024, NHNN đã thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8 và ngày 28/11 theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu và kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tính đến 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Trong năm 2024, trên 80% các TCTD đã xây dựng chiến lược/kế hoạch và đang thực hiện triển khai chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng đạt tỉ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến tháng 9/2024, có 85 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile.

Ngân hàng Nhà nước ban hành các quyết định về lãi suất tiền gửiNhiều ngân hàng mạnh tay tăng lãi suất huy động, cao nhất tăng lên 6,4%/nămKhoảng 800.000 tỷ đồng ngân sách nhàn rỗi đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,52% về số lượng và 34,22% về giá trị; qua kênh Internet tăng 49,45% về số lượng và 33,19% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 57,93% về số lượng và 35,54% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 107,76% về số lượng và 109,09% về giá trị…

Về kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành Ngân hàng, các TCTD đang phối hợp với C06 (Bộ Công an) triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.

Đã có 56,8 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được đối chiếu thông tin sinh trắc học. Ngoài ra, 9 TCTD đã hoàn thành kết nối luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho chi trả, trong đó đã liên kết được hơn 60,3 nghìn tài khoản an sinh xã hội.

Bạn đang đọc bài viết "Góc nhìn Người Đưa Tin: Những sự kiện nổi bật ngành Ngân hàng năm 2024" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).