Hành trình này không đơn thuần chỉ là đi "nối sóng" thông tin mà còn là câu chuyện của tình người và sự tương trợ với đồng bào trong gian khó.
Ứng cứu thông tin, đảm bảo liên lạc "bằng cả sinh mạng"
Những quả đồi, khoảnh đất "ngậm no nước" đổ ập, những cây đổ, đá lở ngáng đường… bất chấp nguy hiểm, giữa ngổn ngang sau bão, những chiến sĩ áo xanh của VNPT xuất hiện trên mọi địa bàn để khôi phục, ứng cứu thông tin, đảm bảo liên lạc thông suốt phục vụ người dân và công tác cứu hộ cứu nạn.
Bùn hút chân, áp lực nặng vai, dây rợ máy móc khuân vác bằng sức người đưa lên từng đỉnh đồi, lưng núi… Không chỉ gian nan vất vả, những tuyến đường các anh đi còn vô số hiểm họa đe dọa sinh mạng chực chờ.
Chiều 12/9, vừa về đến trụ sở VNPT tại huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai), anh Bùi Minh Quyến, Giám đốc Trung tâm viễn thông Bảo Yên, cũng là thành viên trong Ban Phòng chống Bão lụt của huyện đang cập nhật tình hình anh em đi kiểm tra khôi phục mạng lưới thì nhận được điện thoại từ cấp dưới.
Đó là nhân viên tên Phạm Thành thông báo về tình huống nguy hiểm vừa diễn ra tại khu vực làng Bông (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Đội sửa chữa của VNPT vừa đi qua được 100 mét thì bất ngờ, sau tiếng nổ "bụp" rất lớn, cả quả núi đổ sập xuống sau lưng.
Trước đó, anh em nhìn thấy có tình trạng nước rỉ ra từ trong núi đã cảm thấy bất an, nhưng không ngờ mọi việc diễn ra sát gần trong gang tấc. Nhìn cảnh đất đá, núi lở ngổn ngang phía sau, cả đội đều không khỏi rùng mình khi vừa di chuyển qua.
Do ảnh hưởng của bão Yagi cùng mưa lớn kéo dài kết hợp với nước từ thượng nguồn dồn về, khiến lũ dâng cao, nhiều nơi tại địa bàn Lào Cai như huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn, huyện Simacai... đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Nhiều xã gặp sự cố mất liên lạc do đứt cáp truyền dẫn, giao thông bị tê liệt, mất điện khiến công tác cứu hộ, duy trì thông tin liên lạc của người dân vô cùng khó khăn, nhất là các địa điểm: xã Phú Mâu, xã Liêm Phú, xã Nậm Tha, Nậm Xây, xã Kim Sơn, xã Yên Sơn, xã Bảo Hà, xã Cam Kọn, xã Thượng Hà,...
Do tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khu vực trên địa bàn bị sạt lở, ngập lụt khiến công tác tiếp cận vô cùng khó khăn. Đến chiều 12/9, thống kê của VNPT Lào Cai, vẫn còn phát sinh thêm nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.
Tuyến đường từ thị trấn Phố Ràng đi xã Xuân thượng dài hơn 10km, nhiều đoạn đường bị sạt lở, bùn ngập đến gần thắt lưng, các kỹ thuật viên của VNPT phải hoàn toàn đi bộ, đèo theo túi đồ nghề nặng hàng chục kg phía sau lưng. Tuyến đường đi xã Phúc Khánh và xã Bảo Hà… cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Thậm chí, nhiều đoạn đường, không cách nào có thể tiếp cận bằng đường bộ, nhân lực của VNPT phải thuê xuồng, đi tắt qua sông Chảy trong điều kiện nước sông dâng cao, siết mạnh… để mang theo thiết bị, máy móc sửa chữa kịp thời.
Đó cũng là tình trạng chung của tất cả các đơn vị, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lào Cai những ngày qua, khi đều đang căng mình để chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả sau cơn bão lũ.
Với mong muốn để người dân sớm trở lại đời sống bình thường, giảm thiểu thiệt hại, gần như 100% nhân sự của viễn thông VNPT Lào Cai được huy động để trực chiến, phối hợp cùng các địa bàn để triển khai các nhiệm vụ, không chỉ của đơn vị giao cho mà còn xuất phát từ "mệnh lệnh của trái tim".
Đặc biệt, trong ngày 11/9, ngay sau khi diễn ra vụ sạt lở thương tâm tại Làng Nủ (Bảo Yên), VNPT Lào Cai đã nhanh chóng cử nhân sự kỹ thuật tham gia cùng các nhà mạng khác tiến hành tiếp cận và thực hiện lắp roaming nhằm hỗ trợ sóng vệ tinh, đảm bảo kịp thời ứng phó khẩn cấp, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn.
Nỗ lực cùng người dân vượt qua khó khăn sau bão lũ
Không chỉ ở Lào Cai, tình trạng "ăn đường, ngủ sương" đã trở nên bình thường với rất nhiều cán bộ, nhân viên kỹ thuật VNPT tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão, lũ như Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên... khi nhu cầu kết nối và thông tin liên lạc của người dân, chính quyền địa phương trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Mưa bão đã khiến hầu hết các trạm phát sóng bị hư hỏng, đổ cột ăng ten, đứt cáp, mất điện,… tình trạng bị mất kết nối, cô lập đã ảnh hưởng trực tiếp tới công tác chỉ đạo, ứng cứu của chính quyền các tỉnh, thành. Nhiệm vụ nhanh chóng khôi phục mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc được đặt ra vô cùng cấp bách đối với toàn hệ thống VNPT.
Bên cạnh công tác gấp rút khôi phục thông tin liên lạc, mạng di động cho người dân, VNPT các tỉnh cũng kết hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương triển khai loạt biện pháp hỗ trợ cần thiết giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau khi lũ đi qua.
Tất cả cửa hàng giao dịch, điểm dịch vụ trên địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng đều mở cửa từ 7h00 -22h00 mỗi ngày, để người dân có thể đến kiểm tra thiết bị, thông tin dịch vụ, thay mới sim bị hư hại, sạc nhờ pin điện thoại…
Đoàn thanh niên VNPT cũng tổ chức ra quân hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, hệ thống giao thông công cộng, tặng nước sạch và các nhu yếu phẩm thiết yếu…. giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau khi lũ đi qua.
Vừa hỗ trợ người dân, cán bộ nhân viên VNPT vừa "xắn tay" áo dọn dẹp trụ sở, sửa chữa máy móc vừa kiêm luôn nhiệm vụ "giao liên", dẫn đường cho các đoàn từ thiện xuống từng thôn bản để cứu trợ…
Công đoàn, đoàn thanh niên VNPT các tỉnh cũng đã phát động chương trình chung tay ủng hộ bà con khắc phục hậu quả do bão với hình thức ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương cùng các vật phẩm cần thiết khác.
Theo đại diện VNPT, việc chung tay góp sức cùng chính quyền, đoàn thể các địa phương trong việc hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3 và hoàn lưu bão, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống vừa là trách nhiệm của Tập đoàn trên cương vị một doanh nghiệp nhà nước với cộng đồng, vừa góp phần khẳng định, phát huy tinh thần, đạo lý cao đẹp của người Việt tương thân tương ái, đặc biệt trong những hoàn cảnh thiên tai, địch họa như vừa qua.
HM