Nhiều thách thức trong bảo vệ môi trường
Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành".
Trao đổi với Người Đưa Tin về thực trạng môi trường, đặc biệt ở các thành phố lớn hiện nay, TS. Hoàng Quốc Lâm - Chuyên gia thuộc Trung tâm truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, trở thành vấn đề nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống con người, hệ sinh thái và sự phát triển bền vững.
Đặc biệt là tại các đô thj, thành phố như Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh - hai thành phố lớn nhất Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề nhất cả nước.
Ô nhiễm bụi luôn duy trì ở ngưỡng cao (PM 2.5). Bụi mịn thường xuyên che phủ bầu trời, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng; Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt không có hệ thống xử lý tập trung mà trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận (sông, hồ, kênh, mương).
Mặt khác còn rất nhiều cơ sở sản xuất, các hoạt động công nghiệp xả thải không đúng cách là tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước tại sông hồ, kênh rạch nội thành diễn biến phức tạp; ngập úng có xu hướng mở rộng và gia tăng; suy giảm mực nước ngầm và xâm nhập mặn ở đô thị ven biển;
Không chỉ ở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh mà ở các đô thị khác như: Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định, Hải Dương,… nước thải sinh hoạt cũng không được xử lý độ ô nhiễm nguồn nước nơi tiếp nhận nước thải đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP), các thông số chất lơ lửng (SS), BOD; COD; Oxy hòa tan (DO) đều vượt từ 5-10 lần, thậm chí 20 lần TCCP;
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập như: Tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn còn chưa cao, chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, tỉ lệ tái chế còn thấp, phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh;
Vấn đề quy hoạch phát triển đô thị gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức.
Ô nhiễm môi trường là vấn đề "nóng"
Trước đó, trên hành lang Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, nhiều ĐBQH nhấn mạnh ô nhiễm môi trường đang là vấn đề "nóng", được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần giám sát toàn diện để có cái nhìn tổng thể về vấn đề môi trường.
Lý do được đại biểu đưa ra là vấn đề môi trường hiện nay, ngoài việc có bám sát Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hay không, còn là câu chuyện tác động đến tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Luật Bảo vệ môi trường được thông qua vào năm 2020 nhưng đến 2022 mới có hiệu lực, tức là có tới 2 năm để chuẩn bị, còn nhiệm kỳ của chúng ta kết thúc vào năm 2025, nếu không giám sát thì sẽ không có cái nhìn tổng thể cho nhiệm kỳ sắp tới.
Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm môi trường hầu như không được cải thiện trong những năm vừa qua. "Có thể nhìn thấy rõ nét nhất là các dòng sông "chết' ở Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh hay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn… Tất cả những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu đều chưa có cái nhìn tổng thể ở tầm quốc gia để có cái nhìn thấu đáo, chưa kể chúng ta còn lệ thuộc rất nhiều về nguồn nước từ bên ngoài", ông Huấn nêu và băn khoăn sẽ ứng phó như thế nào, chống lại hay thích ứng? Do đó ông Huân cho rằng cần giám sát tối cao, toàn diện về môi trường.
Trong khi đó, đánh giá về việc Quốc hội thành lập đoàn giám sát tối cao về thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, TS. Hoàng Quốc Lâm cho rằng, môi trường, tài nguyên thiên nhiên luôn là điều kiện, nền tảng gắn liền, liên quan trực tiếp đến cuộc sống, kinh tế, xã hội của con người.
Đồng thời, là yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội nên bảo vệ môi trường luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cộng đồng….
"Cuộc giám sát vì thế được kỳ vọng sẽ được giám sát trọng tâm, trọng điểm, chỉ rõ địa chỉ, phản ánh "con số biết nói" về những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay tại các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước mà Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra", ông Lâm nói.
Theo chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua giám sát, sẽ có biện pháp tác động tích cực, kịp thời tháo gỡ những nút thắt để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật.
Đồng thời, nâng cao vai trò của quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường; tiền đề quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Nghị quyết thành lập đoàn giám sát tối cao về bảo vệ môi trường, chuyên đề giám sát tối cao nhằm đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trong đó, trọng tâm là đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến bảo vệ môi trường. Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường;
Cùng với đó, kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024.
Kết quả giám sát sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).