Phát biểu tại Toạ đàm, anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt, xúc động chia sẻ: "Dân tộc ta anh hùng, doanh nghiệp ta cũng phải là doanh nghiệp anh hùng. Tự tôn, bất khuất, tự lực tự cường phát triển đóng góp cho tổ quốc."
Ông cho rằng cụm từ "doanh nghiệp dân tộc" là một khái niệm mang tính khích lệ mạnh mẽ, không chỉ đối với đội ngũ doanh nhân mà còn cả người lao động.
Ông Mâu ví von doanh nhân như những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế, không ngừng vượt qua khó khăn để vươn lên. Ông chia sẻ: Công ty Gốm Đất Việt đã xây dựng được một nhà máy xanh, sản xuất tuần hoàn, với các sản phẩm gốm đất nung xanh – biểu tượng tự hào của đất Việt.
Với Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AQuaOne, khi xem xét khái niệm doanh nghiệp dân tộc không phải là xem xét đến quy mô lớn hay nhỏ của doanh nghiệp. Yếu tố then chốt là doanh nghiệp đó phải đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình".
Từ câu chuyện thực tiễn trong việc phát triển nước sạch, bà Đỗ Thị Kim Liên mong muốn Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp dân tộc tiếp cận được nguồn vốn xanh, được vay với lãi suất ổn định. Bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các ưu đãi về thuế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được phát triển bền vững và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành, ông Phạm Minh Đức, đưa ra góc nhìn khiêm tốn: "Chưa biết Tân Á Đại Thành có được coi là một doanh nghiệp dân tộc hay không" nhưng ông khẳng định đường lối xuyên suốt của tân Á Đại Thành chính là vì dân tộc: "Slogan của chúng tôi là 'Tân Á Đại Thành – Phồn vinh cuộc sống Việt'. Slogan này đã lan tỏa trong cuộc sống của người Việt Nam khắp mọi miền tổ quốc." - ông nói.
Ông Đức cho rằng, doanh nghiệp dân tộc là những doanh nghiệp đặt lý tưởng và sự đồng hành với dân tộc lên trên mục tiêu lợi nhuận. Ông chia sẻ: "Có những doanh nghiệp hoặc cá nhân khi đã đạt đến một mức độ tài sản nhất định, họ không còn đặt nặng chuyện kiếm tiền nữa. Họ có thể hoàn toàn nghỉ ngơi. Nhưng họ vẫn làm việc, vẫn đam mê cống hiến. Họ mà làm việc vì lý tưởng. Họ sẵn sàng lăn xả vào công việc, hy sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu cộng đồng."
Theo ông Đức, doanh nghiệp dân tộc thường phải đánh đổi lợi ích của mình để hướng tới sự phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng sự hy sinh của doanh nghiệp này cần được xã hội ghi nhận thông qua các chính sách động viên và khích lệ kịp thời từ phía Chính phủ.
Với niềm tự hào về dòng sản phẩm thủ công truyền thống, bà Ngô Thị Tính, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh, chia sẻ câu chuyện hồi sinh nghề truyền thống của gia đình: "Sản phẩm của chúng tôi đã có mặt từ thời Pháp thuộc, nhưng chiến tranh khiến nghề gián đoạn. Sau đó, tôi quyết tâm khôi phục và phát triển nhiều mặt hàng trên nền tảng truyền thống."
Đặc biệt, bà Tính nhấn mạnh niềm tự hào khi sản phẩm bánh cốm của công ty đã xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ vào tháng 12 vừa qua. "Chúng tôi đã bứt ra khỏi làng nghề, dám đầu tư, đổi mới công nghệ để vươn ra biển lớn. Điều này đòi hỏi sự thay đổi lớn về quy mô, công nghệ và quản trị." Tuy nhiên, bà cũng mong muốn có thêm sự hỗ trợ để các doanh nghiệp thủ công, truyền thống có thể tiếp cận công nghệ tốt hơn, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.
Là đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, bà Hoàng Thám Hoa - Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Nhân Hòa - khẳng định doanh nghiệp tư nhân luôn đau đáu, làm việc ngày đêm, mong muốn được tạo điều kiện tốt nhất để vận hành, để đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc, của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp đang gặp nhất nhiều khó khăn về chính sách. Bà cho rằng nhiều quy định pháp luật hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. "Tôi hy vọng những ý kiến tại tọa đàm sẽ được chuyển tải tới các nhà hoạch định chính sách để giảm thiểu tối đa chi phí, đơn giản hóa thủ tục, giúp doanh nghiệp phát triển thuận lợi hơn."
Sáng nay 9/1, tại Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam".
Tới dự và chủ trì Toạ đàm hôm nay có Ts. Nguyễn Thanh Tịnh, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Đồng Chủ trì và điều hành Toạ đàm là Ts. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo PLVN; TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế; Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật pháp, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam...