Tính đến cuối tháng 5/2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với gần 1,98 tỉ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ, theo Công Luận.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới ngày 27/5, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 8,25 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 11,07 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đầu tư mới vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ kể cả về số dự án và vốn đầu tư.
Bên cạnh đó có 1.227 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (tăng 27,5% so với cùng kỳ); tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỉ USD (tăng 50,8% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với hơn 7,43 tỉ USD, chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 11,9% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với gần 1,98 tỉ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 514,2 triệu USD và gần 342,2 triệu USD.
Đã có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, Singapore dẫn đầu với gần 3,25 tỉ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2023.
Thị trường bất động sản hút 25% lượng kiều hối hàng năm
Luật Đất đai năm 2024 dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2024, đáng chú ý nhất của Luật này là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
Cụ thể, Khoản 3 và Khoản 6, Điều 4 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo đó, hành lang pháp lý mới với các quy định rõ ràng và cởi mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều đầu tư, sở hữu nhà tại Việt Nam. Dòng kiều hối theo đó sẽ “đổ” vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển.
Theo Thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Lượng kiều hối về Việt Nam trong 10 năm trở lại đây duy trì vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong Top 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lũy kế từ năm 1993 đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng năm 2023, lượng kiều hối chảy về cả nước ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước.
Ước tính mỗi năm có tới 25% lượng kiều hối được gửi gắm vào thị trường bất động sản. Sự đổi mới của Luật Đất đai là quan điểm phù hợp với xu hướng quốc tế, mang tính tích cực. Lượng kiều hối sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang “khát vốn”.
Hội Môi giới Bất động sản Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, dòng kiều hối này sẽ là nguồn cầu mạnh mẽ giúp thị trường bất động sản phát triển. Dòng vốn này sẽ hướng tới sản phẩm căn hộ ở khu vực trung tâm và lân cận, có thể khai thác vận hành cho thuê. Việc giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước... cũng sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà nảy sinh tại Việt Nam.
Đào Vũ (T/h)