[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

11/05/2025 16:05

Đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì, gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và bệnh không lây nhiễm khác như đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, ung thư… Do đó, theo các chuyên gia y tế thuế là công cụ mạnh mẽ để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 7.

WHO, Bộ Y tế đề xuất mức thuế cần đạt 40% mới đảm bảo hạn chế tiêu dùng bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, do nhiều lý do, chúng ta cần có lộ trình tăng thuế phù hợp tránh gây sốc với doanh nghiệp. Vì thế, hiện nay Bộ Y tế thống nhất phương án mức thuế áp dụng 8% năm 2027 và 10% năm 2028.

Nêu quan điểm về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, thuế là công cụ mạnh mẽ để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

"Giải pháp hiệu quả là áp dụng thuế để khiến giá đồ uống có đường đắt đỏ hơn, từ đó giúp giảm tiêu dùng các sản phẩm này. Đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi, một chiến thắng cho sức khỏe, giúp giảm chi phí y tế, và là một chiến thắng cho ngân sách của chính phủ. Trên toàn thế giới, khoảng 110 chính phủ đánh thuế đồ uống có đường", TS. Angela Pratt cho hay.

Giải pháp về thuế kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường, PGS.TS Trương Tuyết Mai cho rằng điều này sẽ ngăn ngừa được đáng kể các trường hợp thừa cân, béo phì, tiểu đường tuýp 2 và tiết kiệm được chi phí y tế.

TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết, số lượng các quốc gia áp thuế với đồ uống có đường trên thế giới đang tăng rất nhanh. Đến tháng 8/2023, đã có ít nhất 104 quốc gia đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Trong đó, gần 2/3 quốc gia áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp. Gần 1/5 quốc gia (chủ yếu là quốc gia theo phương pháp tuyệt đối) áp dụng nguyên tắc lượng đường càng cao thì mức thuế càng lớn.

[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 8.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 27/11/2024, cho ý kiến về đối tượng chịu thuế ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Tp. Đà Nẵng) nhất trí đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, luật cần mở rộng đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có đường nói chung thay vì nước giải khát có đường.

"Tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng rất nhanh trong 15 năm qua. Cụ thể, tổng tiêu thụ nước ngọt đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009, lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng hơn 4 lần). Đặc biệt, mức tăng rất nhanh trong giai đoạn 2009 - 2014 (20%/năm). Mức tăng trung bình khoảng 7%/năm ở giai đoạn 2015 - 2023 (trừ 2 năm Covid-19). Mức tiêu thụ theo đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18,5 lít/người năm 2009, lên thành 66,5 lít/người năm 2023 (tăng ở mức 350%)"
[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 9.Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm - Đại diện WHO tại Việt Nam.

Đại biểu bày tỏ lo ngại về tác dụng ngược của đề xuất áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng chỉ có nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng.

Trong khi đó, trên thực tế nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát.

Theo đó đại biểu đề nghị, Luật nên quy định theo một trong hai hướng: áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có hàm lượng đường trên 5g/100ml; liệt kê các nhóm đồ uống có đường thuộc đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Chính sách giảm đồ uống có đường tại một số quốc gia

Trên thế giới, số nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã gia tăng, từ 35 nước năm 2009 lên 104 vào năm 2023, trong đó ASEAN có 6 nước áp dụng thuế gồm: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia và Brunei.

Tại Thái Lan, Thuế ĐUCĐ bắt đầu được áp dụng từ 2017. Việc tăng thuế suất đối với ĐUCĐ được thực hiện theo lộ trình 2017-2019, 2019-2021 và 2021-2023 với mức thuế suất tăng dần qua các năm.

Hai năm sau khi thực hiện đánh thuế ĐUCĐ lượng tiêu thụ ĐUCĐ trung bình hàng ngày giảm 2,8% trong đó tiêu thụ đồ uống có ga giảm nhiều nhất, với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 17,7%.

Nghiên cứu mô hình dự báo tác động cho thấy với thuế suất ĐUCĐ 11%, 20% và 25% thì tỉ lệ mắc béo phì giảm lần lượt là 1,73%, 3,83% và 4,91%.

Tại Nam Phi, đánh thuế tuyệt đối theo mỗi gram đường trong 100ml đồ uống. Cụ thể, thuế 0,021 ZAR (tương đương 0,15 US cent) cho mỗi gram đường trong 100ml đồ uống và bắt đầu đánh thuế từ năm 2018.

Một năm sau triển khai đánh thuế đã giảm 51% lượng đường tiêu thụ từ đồ uống có đường (16,25g/người/ngày xuống còn 10,63g/người/ngày), 52% lượng calorie nạp vào từ đồ uống có đường; 29% lượng mua đồ uống có đường trên đầu người (518,99ml/người/ngày xuống còn 443,39ml/người/ngày).

Điều trị béo phì ở trẻ cần đồng bộ theo 3 nhóm giải pháp chính:

Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học: Trẻ cần được giảm lượng năng lượng nạp vào nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ dưỡng chất theo nhu cầu lứa tuổi.

Bữa ăn nên cân đối đủ 4 nhóm chất thiết yếu (chất đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất). Các thực phẩm như rau xanh, trái cây tươi, sữa chua ít đường… nên được ưu tiên, đồng thời hạn chế thực phẩm giàu năng lượng rỗng như đồ chiên rán, bánh kẹo ngọt, nước uống có gas...

Tăng cường vận động thể chất: Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vận động phù hợp độ tuổi như bơi lội, chạy bộ, đạp xe… khoảng 60 phút/ ngày, 3-5 ngày/ tuần. Đồng thời, hạn chế tối đa các hoạt động tĩnh như ngồi lâu xem tivi, máy tính bảng, điện thoại.

Thay đổi thói quen sinh hoạt tích cực: Tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, duy trì thói quen ngủ đủ giấc, ăn uống đúng giờ cho trẻ.

Bạn đang đọc bài viết "[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).