Đồng Nai tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao

21/10/2024 16:15

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi do đó có lợi thế rất lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Chú thích ảnh Trang trại chăn nuôi gà theo hướng công nghiệp hiện đại của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CTV

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được nhân rộng 

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, trong hai năm, từ năm 2021-2023, toàn tỉnh có 16 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng mức đầu tư là hơn 1,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, có 12 dự án trong nước và 4 dự án FDI. Tiêu biểu trong số này là dự án Nhà máy chiếu xạ và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ bức xạ tại KCN công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) với quy mô chiếu xạ 100.000 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 doanh nghiệp (DN) và cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, tăng 335 doanh nghiệp so với năm 2021. Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực như sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, và giống cây trồng, vật nuôi. Đồng Nai đang tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (CNC), kết hợp với xây dựng các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, nhằm phát huy lợi thế về vùng nguyên liệu và chuyên canh.

Phong trào đầu tư vào nông nghiệp CNC không chỉ hấp dẫn các DN và trang trại lớn mà còn thu hút cả các hộ nông dân nhỏ lẻ chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang ứng dụng CNC. Ứng dụng CNC trong nông nghiệp giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường. Những mô hình CNC đang được nhân rộng, hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp CNC theo chuỗi liên kết bền vững.

Các loại hình CNC đang được áp dụng phổ biến gồm: Tưới tự động, sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, trồng cây trên giá thể, chăn nuôi công nghệ bán tự động và nuôi tôm siêu thâm canh. Đặc biệt, Đồng Nai, là "thủ phủ" chăn nuôi của cả nước, đã định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại. Các trang trại heo và gà chiếm đến 90% quy mô chăn nuôi, với 442 trang trại sử dụng chuồng lạnh và công nghệ tiên tiến.

Hợp tác xã Nông nghiệp CNC Long Thành Phát (huyện Long Thành), dưới sự dẫn dắt của Giám đốc Lê Văn Quyết, đã tiên phong trong việc áp dụng CNC vào chăn nuôi gà, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Chuỗi liên kết của HTX bao gồm các DN cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu và chủ trang trại, giúp đảm bảo đầu ra ổn định với giá tốt cho người chăn nuôi.

Tạo mọi điều kiện để thu hút nhà đầu tư

Với những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng cùng các vùng chuyên canh sản xuất lớn, tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp. Các hoạt động thu hút đầu tư nào nông nghiệp sạch, ứng dụng CNC cũng luôn được các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, thành phố quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều hình thức.

Chương trình xúc tiến đầu tư tại Đồng Nai được xây dựng chi tiết, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao (CNC), công nghệ sạch và đặc biệt là các dự án trong ngành nông nghiệp và công nghệ chế biến nông sản. Tỉnh tích cực tổ chức các hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn địa điểm đầu tư và xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Các địa phương cũng tổ chức các hoạt động giao thương trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) tham gia các chuỗi liên kết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nhấn mạnh, nông nghiệp CNC là một trong những mục tiêu đột phá của tỉnh. Đồng Nai có nhiều lợi thế trong việc thu hút đầu tư từ các DN và nông dân vào nông nghiệp ứng dụng CNC, nhằm nhân rộng mô hình này phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. 

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, ông Trần Vũ Hoài Hạ, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới và thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã triển khai hai cụm công nghiệp là Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) và Phú Túc (huyện Định Quán), ưu tiên thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản theo hướng chế biến sâu và hình thành các chuỗi giá trị. Điều này sẽ giúp nâng cao giá trị sản xuất, giải quyết đầu ra cho nông sản, phát triển nông nghiệp xanh và tăng thu nhập cho người dân.

Bạn đang đọc bài viết "Đồng Nai tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).