Đóng BHXH ngắt quãng, có được hưởng chế độ thai sản?

21/09/2024 09:00

Nhiều người lao động thắc mắc, trường hợp đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cách quãng, không liên tục thì có được hưởng chế độ thai sản hay không?

Về vấn đề này, Điều 31 Luật BHXH 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

Đóng BHXH ngắt quãng, có được hưởng chế độ thai sản?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.

Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không quy định về việc phải đóng BHXH liên tục để được hưởng chế độ thai sản. Tùy trường hợp khi mang thai có phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền hay không, người lao động chỉ cần đóng BHXH 3 tháng hoặc 6 tháng (không cần liên tục) thì đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Từ 1/7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ thai sản 2 triệu đồng

Theo Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ hưu trí và tử tuất.

Khảo sát, tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, mà nguyên nhân chủ yếu là do chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, vì người lao động chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn, mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp.

Trong khi thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.

Trước đó, khi lấy ý kiến cán bộ công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn lao động tự do đều kiến nghị bổ sung chế độ thai sản vào BHXH tự nguyện.

Do đó, Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Kinh phí thực hiện trợ cấp này do Ngân sách nhà nước bảo đảm và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Minh Hoa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Đóng BHXH ngắt quãng, có được hưởng chế độ thai sản?" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).