Doanh nghiệp Việt đứng ở đâu trong bức tranh chuyển đổi số?

04/10/2024 12:03

Việt Nam có quy mô thị trường tiềm năng cho phát triển kinh tế số. Do đó các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, tối ưu hóa mô hình sản xuất và kinh doanh, triển khai tích hợp công nghệ số hóa để giữ vững ngọn cờ tiên phong.

Trước làn sóng mạnh mẽ của chuyển đổi số, xu hướng phát triển nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số, nhiều quốc gia đã nhận ra cơ hội đã sớm ban hành các chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của mình.

Không đứng ngoài xu thế trên, Việt Nam là một trong những quốc gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra tích cực theo 3 trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Các chính sách và chiến lược về xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, phát triển thương mại điện tử, giao dịch điện tử, phát triển trí tuệ nhân tạo, phát triển đô thị thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt, an toàn an ninh mạng, lưu chuyển thông tin qua biên giới đều đã được ban hành và thúc đẩy triển khai thực hiện.

Doanh nghiệp Việt đứng ở đâu trong bức tranh chuyển đổi số?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Với quyết tâm mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% GDP và trên 30% GDP vào năm 2030. Đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á.

Đến nay, nền kinh tế số, xã hội số của Việt Nam ngày càng phát triển, trung bình giai đoạn 2020 - 2023 đạt khoảng 12,62%, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đã được phổ cập. Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Những bước tiến nhanh chóng

Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong nhận thức sự cần thiết phải chuyển đổi số. Khảo sát của Acccess Partnership (2022) với 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tại Việt Nam cho thấy 86% MSME Việt Nam tin rằng nếu không có thương mại điện tử, doanh nghiệp không thể thực hiện xuất khẩu được.

Khảo sát 500 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (năm 2024) cũng cho thấy mức độ nhận thức và chuyển đổi số của doanh nghiệp ở tất cả các khía cạnh đã có sự cải thiện so, đặc biệt các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến và sản xuất có mức độ quan tâm cao đối với chuyển đổi số. 

Các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, với mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm.

Doanh nghiệp Việt đứng ở đâu trong bức tranh chuyển đổi số?- Ảnh 3.

Chuyển đổi số diễn ra tại doanh nghiệp ở đa dạng các ngành, lĩnh vực. Trong lĩnh vực Fintech, Việt Nam có hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng, 78 tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet, 49 tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán di động và hơn 80.000 điểm thanh toán QR Code.

Trong lĩnh vực logistics, theo khảo sát do Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam thực hiện vào năm 2021, khoảng 75% doanh nghiệp logistics Việt Nam đang sử dụng FMS (phần mềm quản lý giao nhận), 63,89% trong số đó đang áp dụng OMS và WMS (phần mềm quản lý đơn hàng và kho hàng), 61,11% trong số đó đang sử dụng TMS (phần mềm quản lý vận tải).

Quy hoạch quốc gia cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số

Trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam chứng kiến du lịch trực tuyến tăng trưởng 82%, thanh toán số tăng 19% đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử tăng 11%. Trong ngành may mặc, phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng phương pháp thiết kế và vận hành máy móc thủ công để may đo sản phẩm.

Mức độ chuyển đổi số cao nhất ở thời điểm hiện tại là 80% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ Thiết kế hỗ trợ máy tính (CAD) hoặc công nghệ in 3D ở giai đoạn thiết kế.

Trên lĩnh vực kinh tế nền tảng, xuất hiện những doanh nghiệp với phương thức kinh doanh mới, nổi bật là các ứng dụng công nghệ kết nối cung - cầu xuất hiện trong các ngành vận tải, bán lẻ, y tế, giáo dục, tín dụng ngân hàng, dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng, dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng….

Những điều còn trăn trở

Dù có nhiều bước tiến về cả mặt nhận thức, chính sách và thực tiễn, tuy nhiên đến nay, mức độ số hóa của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực ASEAN và châu Á.

Báo cáo của CISCO & IDC (2020) đánh giá mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp tại 14 quốc gia cho thấy Việt Nam xếp thứ 14 về mức độ trưởng thành số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Phần lớn các doanh nghiệp chủ yếu đang ở bước số hóa (đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ "bản cứng" thành "bản mềm" lưu trữ trên hệ thống, nhưng chỉ có một tỉ lệ nhỏ doanh nghiệp đã làm chủ được công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa để đưa ra quyết định trong sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, việc thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp phần lớn vẫn còn mang tính rời rạc mà thiếu sự kết nối mang tính đồng bộ.

Báo cáo cũng chỉ ra thách thức chủ yếu của DNNVV Việt Nam chuyển đổi số là thiếu tư duy số và thách thức thuộc về văn hóa tổ chức. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong xác định nên bắt đầu chuyển đổi số từ đâu.

Doanh nghiệp Việt đứng ở đâu trong bức tranh chuyển đổi số?- Ảnh 4.

Dù có nhiều bước tiến, đến nay, mức độ số hóa của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực ASEAN và châu Á.

Tương tự, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số mang tính khá rời rạc, nhằm quản lý từng chức năng hoạt động riêng rẽ như vận chuyển hàng hóa, kho hàng, bán hàng, nhân sự và kế toán mà thiếu đi sự kết nối mang tính đồng bộ; Chỉ có khoảng 20-30% doanh nghiệp được khảo sát là có ứng dụng công nghệ số trong một số nghiệp vụ một cách thường xuyên; Chưa đến 40% doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số. Việc thiếu ngân sách dành cho chuyển đổi số cũng là thách thức phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV.

Bên cạnh đó, năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu, lực lượng doanh nghiệp nền tảng số đông nhưng chưa mạnh, kỹ năng số của Việt Nam còn hạn chế. 

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào năm 2023, trừ các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực bắt buộc phải chuyển đổi số như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông, phần lớn các doanh nghiệp vẫn mới chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm chứ chưa thực sự triển khai chuyển đổi số. Năng lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp còn khá hạn chế.

Chuyển đổi số giúp tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam diễn ra thuận lợi hơn, tuy nhiên mức độ hưởng lợi còn tùy thuộc vào khả năng chuyển đổi và nội lực số của doanh nghiệp. Nếu nội lực số không đạt, doanh nghiệp sẽ bị tác động nhiều hơn từ bất ổn kinh tế thế giới, dẫn đến sẽ phải chấp nhận vị trí thấp trong toàn bộ chuỗi giá trị toàn cầu.

Các doanh nghiệp nền tảng số Việt Nam dù rất nỗ lực nhưng đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nền tảng số nước ngoài, nhất là các nền tảng số hoạt động xuyên biên giới, thậm chí còn đối mặt tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng ngay trên sân nhà.

Doanh nghiệp Việt đứng ở đâu trong bức tranh chuyển đổi số?- Ảnh 5.

Do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, hiện chúng ta thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng. Chúng ta cũng thiếu các công cụ pháp lý để hạn chế các hình thức mua bán, sát nhập độc hại, có thể gây tác động xấu đến thị trường.

Báo cáo Chỉ số hội nhập kỹ thuật số ASEAN đo lường việc triển khai hội nhập kỹ thuật số trên toàn khu vực ASEAN năm 2021 thông qua 6 trụ cột: thương mại số & logistics, bảo vệ dữ liệu & an ninh mạng, thanh toán điện tử & danh tính số, kỹ năng số, đổi mới sáng tạo & khởi nghiệp, sẵn sàng thể chế & cơ sở hạ tầng. Theo đó, Việt Nam đạt điểm số thấp nhất ở trụ cột "kỹ năng số", thấp hơn mức điểm trung bình của toàn khu vực.

Doanh nghiệp vẫn gặp một số rào cản khi thực hiện xuất khẩu qua thương mại điện tử. Khảo sát của Access Partnership (2022), cho thấy các MSME còn gặp khó khăn liên quan đến các chi phí kinh doanh thương mại điện tử (chi phí hậu cần xuyên biên giới, chi phí trao đổi ngoại tệ, chi phí tiếp thị) và các rào cản pháp lý (thuế hải quan ở nước ngoài cao, quy định nhập khẩu hiện hành ở nước ngoài…).

Cơ hội cần nắm bắt

Việt Nam có quy mô thị trường tiềm năng cho phát triển kinh tế số. Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển quy mô thị trường kinh tế số với tổng dân số đang xếp thứ 15 toàn cầu, số lượng người dùng internet tăng trưởng mạnh mẽ. 

Từ chỉ 0,25% dân số sử dụng Internet vào năm 2000 đã tăng lên 79,1% dân số vào năm 2024. Tổng cộng có 168,5 triệu kết nối di động tại Việt Nam đầu năm 2024, con số này tương đương với 169,8% tổng dân số, với mục đích sử dụng chủ yếu là nghiên cứu và học tập, giải trí, mua sắm trực tuyến…

Doanh nghiệp Việt đứng ở đâu trong bức tranh chuyển đổi số?- Ảnh 6.

Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển quy mô thị trường kinh tế số với tổng dân số đang xếp thứ 15 toàn cầu, số lượng người dùng internet tăng trưởng mạnh mẽ.

Báo cáo của Access Partnership Analytics cũng đưa ra dự đoán, nếu khai thác được đầy đủ lợi ích, nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt 91 tỷ USD vào năm 2030. Kết quả phân tích của Omdia cũng cho thấy Việt Nam xếp thứ 15/51 quốc gia được khảo sát về tốc độ tăng trưởng thị trường số, dự kiến xếp thứ 13/51 vào năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số phải tập trung vào lợi ích của người dân

Thương mại điện tử Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu thương mại điện tử đang có tốc độ phát triển nhanh, là động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số. 

Theo nghiên cứu mới nhất của Access Partnership, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến 296.300 tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ để đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử trong việc xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ.

Thực trạng thời gian qua, Việt Nam luôn nằm trong top 10 các nước có lượng dữ liệu chuyển qua biên giới lớn nhất thế giới (năm 2001, Việt Nam ở vị trí 11 trong bảng xếp hạng thì đến năm 2019 đã ở vị trí top 7 thế giới) góp phần thúc đẩy xuất khẩu thương mại điện tử.

Doanh nghiệp Việt đứng ở đâu trong bức tranh chuyển đổi số?- Ảnh 7.

Doanh nghiệp chính là lực lượng chủ đạo dẫn dắt quá trình chuyển đổi số.

Doanh nghiệp Việt dẫn dắt quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy người lãnh đạo, từ chiến lược, tư duy truyền thống sang chiến lược, tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả.

Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, triển khai tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, năng cao năng lực quản trị phù hợp với những mô hình sản xuất, kinh doanh và hợp tác mới.

Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp Việt đứng ở đâu trong bức tranh chuyển đổi số?" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).