Nền tảng quan trọng cho Việt Nam "cất cánh"
Tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, phiên thảo luận, trao đổi về công nghiệp bán dẫn Việt Nam C=SET+1 - Động lực và nền tảng phát triển đất nước diễn ra chiều 15/1 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khách mời tham dự.
Diễn đàn nhận được sự đồng hành, tài trợ của Ngân hàng TMCP Quân Đội, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân Đội, Tổng Công ty Viễn Thông Mobifone, Tập đoàn Công nghệ CMC và Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam.
Hiện nay, doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 157,984 tỉ USD tăng 10,20% (so với 2023), tăng trưởng bình quân giai đoạn: 9,95%;
Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; Toàn ngành có 73.788 doanh nghiệp đang hoạt động tăng 10,12% (so với 2023).
Trong bối cảnh kinh tế nói chung bị suy giảm và thị trường công nghệ thông tin nội địa chật chội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chủ trương đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài vào đầu năm 2023 đã mở ra không gian mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, khẳng định vị thế của công nghệ thông tin Việt Nam trên bản đồ thế giới, đóng góp giá trị cho ngành.
Theo số liệu tổng hợp, tính đến hết năm 2024, có gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng 26,67% so với năm 2023, với tổng doanh thu khoảng 11,5 tỉ USD tăng 53,3% so với năm 2023, trong đó đã hình thành được một số doanh nghiệp phần mềm lớn có khả năng cạnh tranh, cung cấp dịch vụ cho các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu…
Việc làm chủ các công nghệ số được xem là nền tảng quan trọng cho Việt Nam "cất cánh" vươn lên, phát triển mạnh mẽ.
Mục tiêu làm chủ các công nghệ số đã và đang được các tập đoàn công nghệ Việt Nam tập trung đầu tư nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ số cụ thể. Chỉ có làm chủ công nghệ số thì Việt Nam mới kiến tạo được nền kinh tế số phát triển vượt bậc, góp phần xây dựng xã hội cho tương lai.
Bán dẫn là ngành công nghiệp cốt lõi
Ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Bán dẫn là ngành công nghiệp cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và của nền kinh tế số. Chíp bán dẫn có sự hiện diện trong phần lớn các sản phẩm của thời đại kinh tế số, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế và an ninh quốc quốc phòng".
Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã xác định công nghiệp bán dẫn là công nghiệp chiến lược, Việt Nam xác định đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là phát triển một ngành kinh tế mà là chiến lược phát triển quốc gia, lấy công nghệ số làm nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển.
"Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cùng nhau phát triển.
Tôi tin rằng với chiến lược công nghiệp bán dẫn vừa được ban hành, cùng với quyết tâm của Đảng và Chính phủ và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ tạo ra một hệ sinh thái bán dẫn bền vững và tiên tiến tại Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Make in Viet Nam đã được 5 năm, 5 năm qua, giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%. Và chúng ta đặt mục tiêu giá trị Việt Nam sẽ đạt trên 50% vào năm 2030. Đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công. Thoát bẫy gia công là để thoát bẫy thu nhập trung bình.
Năm năm qua, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên đầu người vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển.