Năm 2024, SGR ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 152 tỷ đồng, tăng 53% so với năm trước. Tuy nhiên, doanh thu tài chính lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh, giảm tới 88%, còn khoảng 12 tỷ đồng do các khoản lãi hợp tác đầu tư, cho vay và lãi chậm thanh toán không đạt kỳ vọng.
Trong khi doanh thu thuần tăng trưởng, các chi phí tài chính và chi phí quản lý của công ty lại có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 19%, lên gần 36 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 52%, lên gần 55 tỷ đồng. Mặc dù chi phí bán hàng giảm tới 64%, nhưng tỷ trọng của chi phí này trong tổng chi phí là không đáng kể.
Sau cùng, SGR lỗ thuần hơn 4 tỷ đồng, trong khi năm trước công ty có lãi thuần gần 82 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ một khoản lợi nhuận khác đột biến gần 112 tỷ đồng phát sinh trong quý IV, gấp 2,4 lần so với năm 2023, công ty đã chuyển từ lỗ thuần sang có lãi, với lợi nhuận ròng đạt gần 83 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2023.
Dù có lãi, kết quả này vẫn chưa thể giúp SGR hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế mà công ty đề ra trong năm 2024. Với gần 108 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, công ty chỉ hoàn thành gần 57% mục tiêu đề ra.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của SGR đạt gần 2.300 tỷ đồng, trong đó, lượng tiền nắm giữ ngắn hạn và phải thu ngắn hạn đều ghi nhận mức tăng lần lượt 7% và 6%, lên gần 59 tỷ đồng và hơn 986 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ phải trả của SGR lại tăng 14%, lên gần 1.300 tỷ đồng, trong đó nợ vay và các khoản phải trả ngắn hạn tăng mạnh, lần lượt đạt gần 424 tỷ đồng và 404 tỷ đồng.
Trong năm qua, SGR cũng phát sinh một khoản vay với BIDV chi nhánh Trường Sơn với mục đích bổ sung vốn lưu động. Số dư vay vào cuối năm 2024 là hơn 97 tỷ đồng, và tài sản đảm bảo cho khoản vay này bao gồm các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn, quyền sử dụng đất và tài sản tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cùng tài sản của ông Phạm Đình Thành - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của SGR.