ĐBQH Trần Thị Nhị Hà: Phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc

22/10/2024 13:06

Về vấn đề quản lý giá thuốc, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà bảy tỏ băn khoăn "Vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?".

Lo nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường

Sáng 22/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận về vấn đề quản lý giá thuốc, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, tại Điều 2 của dự thảo nêu khái niệm về giá bán buôn thuốc dự kiến, điều này được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà: Phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà nêu ý kiến (Ảnh: Media Quốc hội).

Tuy nhiên, qua báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội thì chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý Nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan…

Dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định, và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo. Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.

Đại biểu nêu ví dụ như, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó, đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình, đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao.

Bày tỏ băn khoăn về dự thảo quy định tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?

Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc.

Giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh "Tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định tại Luật Giá".

"Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ khác nhau", bà Nhị Hà nêu. 

Cũng theo nữ đại biểu, hơn nữa, với các tỉnh thành có quy mô lớn như Hà Nội (gần 10.000 cơ sở bán lẻ và 1.500 cơ sở bán buôn), quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược khi thực hiện kê khai giá.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà: Phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc- Ảnh 2.

Các đại biểu tại phiên họp sáng 22/10 (Ảnh: Media Quốc hội).

Trong khi đó, ngay từ năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc, và Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 540 về chuẩn dữ liệu đầu ra phần mềm kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa theo quy định thì mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường…

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu đề xuất ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện. 

Quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trên thương mại điện tử

Và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc, và phải thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.

Thuốc là sản phẩm hàng hoá đặc biệt, cử tri rất mong muốn và hy vọng giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù theo các quy định của Luật chuyên ngành. 

Tuy nhiên, các biện pháp quản lý giá thuốc được nêu trong dự thảo luật dược sửa đổi hầu hết lại quy định tuân thủ theo Luật Giá, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định việc công bố giá, kê khai giá phù hợp hơn nữa với thực tiễn và có tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Trước đó, báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, về quản lý giá thuốc, tiếp thu ý kiến đại biểu, để thể hiện tính chất đặc thù trong quản lý giá thuốc, kế thừa từ biện pháp kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường đã được triển khai ổn định và phát huy tác dụng trong kiểm soát giá thuốc.

Đồng thời, để tránh nhầm lẫn với biện pháp kê khai giá trong Luật Giá, dự thảo Luật quy định về biện pháp công bố giá bán buôn thuốc dự kiến thay cho thủ tục kê khai giá bán buôn thuốc cùng với việc bổ sung giải thích các khái niệm "giá bán buôn thuốc dự kiến", "công bố giá bán buôn thuốc dự kiến", "công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến", "mặt hàng thuốc tương tự", xác định rõ chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan tiếp nhận thủ tục; quy định chỉ áp dụng biện pháp này đối với thuốc kê đơn, trừ một số trường hợp theo quy định của Chính phủ và biện pháp kiến nghị về giá khi phát hiện công bố giá cao bất hợp lý.

Đồng thời, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc; bãi bỏ quy định tại Điều 114 Luật hiện hành do trách nhiệm của các cơ sở thực hiện đấu thầu thuốc đã được quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "ĐBQH Trần Thị Nhị Hà: Phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).