Đáng chú ý, phiên đấu giá lần này có 25 lô đất tại xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai). Đây là những lô đất phải tạm dừng đấu giá theo chỉ đạo của thành phố để các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường hay không từ kết quả đấu giá tăng gấp hàng chục lần ở một số phiên trước đó.
Với giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2 (thấp hơn 38% so với giá khởi điểm tại phiên đấu giá ngày 10/8), các lô đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) có diện tích từ gần 84 - 143m2, tiền cọc tương ứng từ 88 - 151 triệu đồng/lô. Hình thức đấu giá tối thiểu 6 vòng bắt buộc, mỗi bước giá 5 triệu đồng/m2.
Kết thúc phiên đấu giá, 2 lô góc có giá trúng cao nhất 90,3 triệu đồng/m2 (tương ứng giá trị mỗi lô đất hơn 11 tỷ đồng và hơn 10 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần giá khởi điểm); giá trúng thấp nhất là hơn 45 triệu đồng/m2 (gấp hơn 8 lần giá khởi điểm).
Một số nhà đầu tư cho rằng, so với phiên đấu ngày 10/8 của huyện Thanh Oai, mức giá trúng lần này từ 45 - 50 triệu đồng/m2 phù hợp với giá thị trường; còn mức giá 60 - 90 triệu đồng/m2 được nhận định cao hơn thị trường khu vực từ 10 - 30 triệu đồng/m2.
Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai, Phiên đấu giá lần này có 111 người tham gia với 400 bộ hồ sơ đăng ký; trong khi Phiên đấu giá đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai ngày 10/8 có tới hơn 1.500 người tham gia đăng ký 4.000 hồ sơ, giá trúng từ 63 - 80 triệu đồng/m2, thậm chí có thửa trúng cao nhất lên tới 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhiều lô đất có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2 không nộp tiền…
Mặc dù sức "nóng" có giảm, song theo phản ánh, phiên đấu giá chưa kết thúc đã có nhiều "cò" đất tụ tập chào bán suất trúng đấu giá với mức chênh từ 100 đến vài trăm triệu đồng, đặc biệt lô góc rao chênh gần 1 tỷ đồng. Hay trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện hàng loạt tin rao bán các lô đất trúng đấu giá này.
Trước đó, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phúc Thọ và Công ty Đấu giá Hợp danh đấu giá đất Việt Nam đã tổ chức Phiên đấu giá 12 thửa đất tại khu Dộc Tranh; trong đó, 7 thửa đất tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc) với giá khởi điểm 23,4 triệu đồng/1m2 có giá trúng cao nhất 37,6 triệu đồng/m2, giá trúng thấp nhất 28,8 triệu đồng/m2; 4 thửa khu Hương Nam (xã Xuân Đình) giá khởi điểm từ 25 triệu đồng/m2 và 1 thửa khu Cổng chợ (xã Tích Giang) giá từ 16,5 triệu đồng/m2.
Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phúc Thọ, phiên đấu giá lần này chỉ có 32 nhà đầu tư đăng ký hơn 120 hồ sơ, còn phiên đấu giá ngày 17/9 ở Phúc Thọ có trên 100 khách hàng; giá trúng lên đến 75 triệu đồng/m2, tăng gần gấp đôi so với giá khởi điểm...
Có thể thấy, thời điểm cách đây hơn 3 tháng, nhiều phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội đã thu hút hàng trăm người tham gia; trong đó, có phiên có trên 1.000 hồ sơ đăng ký, với giá trúng liên tiếp lập kỷ lục hơn 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, gần đây, hoạt động đấu giá đất ở các khu vực này có dấu hiệu giảm nhiệt nhờ các biện pháp kiểm soát, chấn chỉnh của các cơ quan chức năng. Hà Nội yêu cầu các địa phương lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền theo quy định, gây nhiễu loạn thị trường. Danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.