Đại án vạn Thịnh Phát: Các cựu lãnh đạo SCB nói nếu không đảo nợ, SCB sẽ phá sản

04/11/2024 20:02

Khai tại tòa, nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo SCB cho biết, trong nhiều năm việc đảo nợ diễn ra liên tục và bắt buộc phải thực hiện vì nếu không SCB sẽ phá sản.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bị cáo Trương Mỹ Lan tươi tỉnh hầu tòa phúc phẩmBị cáo Trương Mỹ Lan tươi tỉnh hầu tòa phúc phẩm

Chiều 4/11, TAND Cấp cao tại Tp.HCM tiếp tục phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 1).

Đại án vạn Thịnh Phát: Các cựu lãnh đạo SCB nói nếu không đảo nợ, SCB sẽ phá sản- Ảnh 4.

Các cựu lãnh đạo SCB (hàng cuối bên trái) tại phiên tòa phúc thẩm.

Trước đó, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo có liên quan bị tòa sơ thẩm tuyên phạt về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị cấp tòa sơ thẩm tuyên phạt tổng mức án tử hình. 85 đồng phạm còn lại bị phạt mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến tù chung thân.

Sau bản án, có 48 bị cáo kháng cáo, trong đó bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm; các đồng phạm của Trương Mỹ Lan như: Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB; Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc ngân hàng SCB); Trần Thị Mỹ Dung, cựu phó Tổng giám đốc SCB; Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng SCB; Trương Huệ Vân (cháu của Trương Mỹ Lan); Chu Lập Cơ (chồng của Trương Mỹ Lan và các bị cáo còn lại đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Là một trong 4 bị cáo bị cấp sơ thẩm tuyên tổng mức án tù chung thân, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) trình bày việc giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo bản án sơ thẩm, trong thời gian giữ chức vụ là Tổng Giám đốc SCB, bị cáo Văn nhiều lần nhận cuộc gọi từ Trương Mỹ Lan trao đổi về việc rút tiền từ SCB thông qua khoản vay.

Bị cáo Văn biết số tiền sau khi giải ngân các khoản vay đứng tên các cá nhân, công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát và sẽ không sử dụng theo đúng phương án vay vốn nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Hành vi của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, theo bản án sơ thẩm là đã gây thiệt hại hơn 161.000 tỷ đồng của SCB.

Khai tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Văn nói việc duyệt hồ sơ vay diễn ra trong bối cảnh SCB đang trong giai đoạn tái cơ cấu và rất nhiều khoản vay đến hạn tất toán.

Lý giải việc bản thân và các lãnh đạo khác của SCB dễ dãi trong xét duyệt các khoản vay là vì các khoản vay đến hạn không tất toán được và có nguy cơ chuyển nhóm nợ xấu. "Nếu để nợ xấu quá cao thì việc cho vay của ngân hàng sẽ không thể tiếp tục, như vậy mọi nỗ thực tái cơ cấu ngân hàng sẽ đổ vỡ hết", bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn nói và cho biết thêm, việc buộc phải lập các khoản vay để đảo nợ được diễn ra liên tục trong nhiều năm.

Khi được hỏi SCB chủ yếu cho khách hàng nào vay, bị cáo Văn nói, các khoản vay tại SCB phần lớn của bà Trương Mỹ Lan và của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. "Ngay từ thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng thì có đến 70% tài sản ở SCB thuộc nhóm của bà Lan nên các thế hệ lãnh đạo ngân hàng khi tiếp nhận tài sản mà bà Lan đưa vào thì thực hiện các khoản vay đảo nợ", bị cáo Văn khai.

Cũng theo bị cáo Văn, chính bởi việc phải lập các khoản vay nhằm đảo nợ, đã dẫn đến việc số nợ phải trả ngày càng cao, trong khi tài sản đảm bảo không có giá trị tương đương.

Một bị cáo khác là Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc SCB) cũng khai tại SCB thường xuyên diễn ra hoạt động đảo nợ và đây là hoạt động bắt buộc, vì nếu không giải ngân các khoản vay mới để trả nợ cũ thì chắc chắn ngân hàng sẽ phá sản.

Theo bị cáo Hoàng, khi tiếp nhận vị trí quyền Tổng giám đốc SCB thì ngân hàng này đã rơi vào tình trạng khó khăn. "Thời điểm đó, bị cáo thấy bà Trương Mỹ Lan có nhiều tài sản, có sức ảnh hưởng và bị cáo cảm thấy bà Lan có thể vực dậy được SCB", bị cáo Hoàng nói và cho biết thêm, rằng với cương vị của bị cáo, trong bối cảnh ngân hàng quá khó khăn thì việc đảo nợ là bắt buộc và bị cáo không còn cách nào khác để giúp SCB tránh khỏi việc phá sản.

Đối với bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó Tổng giám đốc SCB), bị cáo khi được gọi xét hỏi đã khai việc tạo lập các khoản vay là thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan. Về ký hiệu "HSTT" trong hồ sơ các khoản vay, bị cáo Dung nói ký hiệu đó được hiểu là hồ sơ tiếp thị và đây là hồ sơ vay để trả cho các khoản nợ của bị cáo Lan và nhóm Vạn Thịnh Phát.

Cháu của bị cáo Trương Mỹ Lan là Trương Huệ Vân cũng khai, được cô (Trương Mỹ Lan – PV) giao quản lý, điều hành Công ty cổ phần Lavifood. Thời điểm diễn ra hành vi phạm tội, Công ty cổ phần Lavifood cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính nên Vân có nhờ cô giúp công ty một khoản tài chính. Từ đó, Lavifood mới tham gia vào việc vay vốn tại SCB.

Ngoài ra, Vân còn nhận chỉ đạo từ Trương Mỹ Lan để thành lập và sử dụng 51 công ty "ma", thông đồng với lãnh đạo ngân hàng SCB lập phương án kinh doanh khống là mua bán nông sản với Công ty cổ phần Lavifood để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền từ ngân hàng SCB, chiếm đoạt của ngân hàng 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại 25 tỷ đồng.

Nói về nhận thức, bị cáo Trương Huệ Vân nói bản thân chưa bao giờ suy nghĩ, hoặc dùng dùng vị trí, sức ảnh hưởng của mình để tác động người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. "Bị cáo là người được xác định gây thiệt hại thấp nhất cho SCB, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo", bị cáo Vân nói.

Ngày mai (5/11), phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Bạn đang đọc bài viết "Đại án vạn Thịnh Phát: Các cựu lãnh đạo SCB nói nếu không đảo nợ, SCB sẽ phá sản" tại chuyên mục Pháp Luật. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).