Cuộc đua đầu tư giáo dục của Tập đoàn EQuest

04/08/2024 12:12

Nhắc đến EQuest, ngoài hệ thống giáo dục trên nhiều lĩnh vực; người ta còn nhớ đến những cái bắt tay với quỹ ngoại với giá trị phi vụ cả trăm triệu USD…

Theo báo cáo "Giáo dục Việt Nam: Nhu cầu giáo dục tư nhân gia tăng" do đơn vị Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn, Công ty FiinGroup Việt Nam, người Việt Nam có xu hướng chi nhiều hơn cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục tư nhân.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm ước tính các hộ gia đình ở thành phố lớn tại nước ta dành 47% ngân sách chi tiêu cho giáo dục. Trong giai đoạn 2017-2022, chi tiêu cho giáo dục của các hộ gia đình Việt Nam tăng khoảng 7%.

Cuộc đua đầu tư giáo dục của Tập đoàn EQuest- Ảnh 1.

Lĩnh vực giáo dục tư nhân tại Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn nhiều tập đoàn đầu tư.

Bên cạnh đó, nhu cầu về giáo dục dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh khi dân số trong độ tuổi học trung học của Việt Nam hiện là 24,5 triệu người và sẽ tăng 0,6% cho đến năm 2030. Trong khi, tỉ lệ hiện diện của giáo dục tư nhân vẫn còn ở mức thấp.

Với những lợi thế kể trên, lĩnh vực giáo dục tư nhân tại Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn nhiều tập đoàn đầu tư.

Bắt đầu với 80 triệu đồng...

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn EQuest được biết đến là một trong những tổ chức giáo dục tư nhân tại Việt Nam với gần 360.000 học viên theo học mỗi năm. Trên website của công ty (Equest.vn), Equest hiện hoạt động trên 4 lĩnh vực chính là giáo dục phổ thông; đại học và cao đẳng dạy nghề; Trung tâm anh ngữ và công nghệ giáo dục.

Cuộc đua đầu tư giáo dục của Tập đoàn EQuest- Ảnh 2.

Các đơn vị thành viên của Tập đoàn EQuest.

Theo thông tin của Người Đưa Tin, Công ty Cổ phần Giáo dục EQuest (Tập đoàn EQuest) được thành lập từ năm 1999 với người đại diện là ông Nguyễn Quốc Toàn. Vị này đồng thời cũng là Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của EQuest.

Ban đầu, EQuest có tên là Công ty cổ phần Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ. Từ tháng 12/2019, công ty đổi tên thành EQuest như hiện nay.

Theo giới thiệu trên website công ty, sáng lập nên Tập đoàn giáo dục EQuest là những nhà lãnh đạo của công ty. Ngoài ông Nguyễn Quốc Toàn còn ông Nguyễn Thanh Sơn và bà Nguyễn Thị Tuyết Lan là Thành viên HĐQT.

Cuộc đua đầu tư giáo dục của Tập đoàn EQuest- Ảnh 3.

Các nhà sáng lập EQuest.

Ngoài ra, các thành viên trong HĐQT EQuest cũng bao gồm nhiều cái tên đáng chú ý như ông Trần Quốc Khánh – nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch sáng lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Từ số vốn 80 triệu đồng khi đăng ký doanh nghiệp, sau 21 năm phát triển, tính đến cuối tháng 7/2024, vốn điều lệ của EQuest ở mức 1.685 tỷ đồng, trong đó tỉ lệ vốn nước ngoài chiếm tới 57%. Các cổ đông ngoại của tổ chức giáo dục này bao gồm này bao gồm Zen Investment Holdings nắm giữ hơn 3 triệu cổ phần và Equinox II nắm giữ 92,3 triệu cổ phần.

EQuest và những cái bắt tay triệu USD 

Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Tập đoàn giáo dục EQuest còn được biết đến với vai trò là nhà đầu tư của loạt các cơ sở giáo dục. Trong đó là hàng loạt phi vụ M&A giáo dục, giúp công ty mở rộng mạng lưới tới 21 đơn vị thành viên.

Cuộc đua đầu tư giáo dục của Tập đoàn EQuest- Ảnh 4.

Chủ tịch HĐQT EQuest Nguyễn Ngọc Toàn (Ảnh: Forbes Viêt Nam).

Thông tin từ một bài đăng trên website của EQuest, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng, việc tiến hành mua lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục như một phần của danh mục kinh doanh của ông Toàn và các đồng nghiệp tại EQuest.

Cụ thể, năm 2013, EQuest bắt đầu phi vụ đầu tiên thông qua việc đầu tư vào Hệ thống Anh ngữ Việt Mỹ VATC.

Liên tiếp sau đó, tổ chức giáo dục này liên tiếp đầu tư vào Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn, Đại học Phú Xuân, Hệ thống Giáo dục Alpha School, Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory, Trường THPT Victory Sài Gòn, Trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội, trường St. Nicholas Đà Nẵng, Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội…

Cuộc đua đầu tư giáo dục của Tập đoàn EQuest- Ảnh 5.

Tập đoàn giáo dục EQuest được biết đến với vai trò là nhà đầu tư của loạt các cơ sở giáo dục, trong đó có Trường Đại học Phú Xuân.

Đến năm 2019, Hệ thống Trường liên cấp Newton chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn giáo dục EQuest. Đây là hệ thống trường liên cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông với 5 cơ sở tại Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Và mới đây nhất vào cuối năm 2022, Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tập đoàn Giáo dục Khôi Nguyên (KNE) đã công bố ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược. Theo đó, EQuest sẽ trở thành cổ đông chủ chốt và tham gia vào hội đồng quản trị của KNE.

Thương vụ "bắt tay" giữa hai tập đoàn giáo dục trên có sự bảo trợ từ Công ty Quản lý quỹ đầu tư KKR (Mỹ) - một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với giá trị tài sản đầu tư tính đến 30/9/2022 là 496 tỷ USD. KKR đã đầu tư đến gần 14 tỷ USD vào giáo dục ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam - thông qua Tập đoàn EQuest.

Cuộc đua đầu tư giáo dục của Tập đoàn EQuest- Ảnh 6.

Thương vụ "bắt tay" giữa Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tập đoàn Giáo dục Khôi Nguyên có sự bảo trợ từ Công ty Quản lý quỹ đầu tư KKR.

Theo DealStreetAsia, vào tháng 6/2021, giá trị của thương vụ đầu tư của KKR vào EQuest lên đến 100 triệu USD. Sau Vinhomes và Masan MEATLife, đây là doanh nghiệp Việt Nam thứ ba mà KKR đầu tư và là doanh nghiệp giáo dục đầu tiên được quỹ đầu tư này rót vốn.

Đến tháng 5/2023, Tập đoàn Giáo dục EQuest tiếp tục huy động thành công 120 triệu USD, bao gồm cả khoản vay và vốn chủ sở hữu từ nhà đầu tư KKR.

Tập đoàn EQuest hoàn tất đầu tư vào Hệ thống Giáo dục Ngôi Sao Hà Nội

Khoản đầu tư này được công ty cho biết sẽ được sử dụng để đầu tư và nâng cấp Hệ thống Trường Quốc tế Canada (CIS) tại Thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng hệ thống Cao đẳng và Đại học, đặc biệt là các khu học xá của hệ thống trường Broward Việt Nam tại Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc đua đầu tư giáo dục của Tập đoàn EQuest" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).