TP Hồ Chí Minh: Tập trung kiểm soát chặt đầu vào hàng hóa dịp cuối năm

15/01/2025 10:00

Hiện nay, nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025 đang gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều người tiêu dùng lo ngại về chất lượng và an toàn của các mặt hàng.

Chú thích ảnh Ngày 13/1, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa Tết tại TP Hồ Chí Minh.

Để đảm bảo thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, các đơn vị chức năng tại TP Hồ Chí Minh đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ các nguồn hàng hóa ngay từ đầu vào, nhằm ngăn chặn tình trạng hàng kém chất lượng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tăng tần suất kiểm tra

Sức mua tại TP Hồ Chí Minh đang tăng cao, đặc biệt tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, trái cây, rau củ quả. Tết này, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chị Lê Hồng Hà (ngụ Quận 1) chia sẻ: "Khi mua sắm tại chợ hoặc siêu thị, tôi luôn ưu tiên chọn các thực phẩm của thương hiệu trong nước có nguồn gốc rõ ràng. Đối với thực phẩm tươi sống hàng ngày, tôi thường chọn mua của những đơn vị cung cấp uy tín, có nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng. Việc lựa chọn sản phẩm an toàn giúp gia đình tôi duy trì sức khỏe tốt hơn".

Tại các hệ thống siêu thị, công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa được thực hiện rất nghiêm ngặt, đặc biệt trong mùa mua sắm cao điểm dịp Tết. Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: "Để đảm bảo chất lượng hàng hóa đầu vào, chúng tôi xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng chuyên nghiệp và chặt chẽ từ các khâu trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, cho đến kinh doanh".

Ngoài ra, tại mỗi điểm bán, siêu thị đều có bộ phận quản lý chất lượng chịu trách nhiệm kiểm soát hàng hóa và an toàn thực phẩm, nhân viên tại đây được trang bị thiết bị kiểm tra chuyên dụng để kiểm tra nhiệt độ, phương thức bảo quản và thực hiện các bài kiểm tra nhanh hàng hóa nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất ngay tại khâu tiếp nhận, ổn định khi đến tay người tiêu dùng.

Đặc biệt, bước vào cao điểm mua sắm Tết từ đầu tháng 12, hệ thống bán lẻ hiện đại đã tăng cường tần suất kiểm tra hàng hóa lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường nhằm đảm bảo nguồn hàng phong phú và chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Chú thích ảnh Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, dẫn đầu đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị MM Mega Market, thành phố Thủ Đức.

Đối với các mặt hàng đặc trưng trong dịp Tết như bánh mứt kẹo, giò chả, thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, bánh chưng, bánh tét... tất cả đều phải trải qua 3 bước kiểm tra nghiêm ngặt. Cụ thể, kiểm tra tại nơi sản xuất, trung tâm phân phối và tiến hành test nhanh trước khi được bày bán tại siêu thị. Các bước kiểm tra tập trung vào các chỉ tiêu như kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng, hàn the, formol, chất tẩy trắng…

"Đặc biệt, các mặt hàng như giá đỗ, dưa hành... được chú trọng kiểm soát do thời gian sử dụng ngắn nhưng lại thường xuyên góp mặt trong bữa ăn hàng ngày. Các đơn vị trong hệ thống cũng tăng cường kiểm tra hồ sơ pháp lý, hồ sơ chất lượng hàng hóa và các tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, các chuyến xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động được triển khai giúp kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay tại nguồn", ông Lê Trường Sơn chia sẻ.

Tương tự, đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, trong dịp Tết, đơn vị tập trung tăng cường kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng nhiều như thịt, các sản phẩm từ thịt, trứng, thủy hải sản, rau củ quả, bánh mứt... Bên cạnh đó, các hệ thống bán lẻ của đơn vị luôn chú trọng rà soát vấn đề an toàn và vệ sinh thực phẩm.

Trước khi nhập hàng, Satra làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp, đồng thời thực hiện chọn mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra chất lượng. Nếu phát hiện vi phạm, đơn vị sẽ yêu cầu nhà cung cấp giải trình, rút sản phẩm vi phạm khỏi hệ thống và xử lý theo quy định.

"Chúng tôi cố gắng không để các sản phẩm không đạt chất lượng xuất hiện trong hệ thống, cam kết đảm bảo sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong dịp cuối năm và Tết", vị đại diện này nhấn mạnh.

Dưới góc độ nhà sản xuất, ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2025, công ty dự kiến cung ứng ra thị trường gần 930 tấn thực phẩm tươi sống (tăng 5% so với Tết Giáp Thìn 2024) và khoảng 3.700 tấn thực phẩm chế biến (tăng 8% so với cùng kỳ), phân phối tại hơn 120.000 điểm bán hàng trên cả nước. Để thực hiện kế hoạch này, đơn vị đã chuẩn bị nguyên vật liệu từ rất sớm nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cả về sản lượng lẫn chất lượng hàng hóa.

"Về vấn đề an toàn thực phẩm, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, chúng tôi tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt các mẫu hàng hóa, đảm bảo đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn như tem nhãn, hạn sử dụng và chất lượng dinh dưỡng. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường kiểm soát đầu vào của các nguyên liệu nhập về, tập trung vào những yếu tố trọng tâm, trọng điểm để kịp thời ngăn chặn các thực phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn trong quá trình sản xuất hàng đông lạnh", ông Nguyễn Phúc Khoa nhấn mạnh.

Kéo giảm nỗi lo về an toàn thực phẩm

Trước nhu cầu mua sắm tăng cao trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cùng với nỗ lực giảm bớt lo ngại về an toàn thực phẩm cho người dân, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa trên địa bàn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: "Để đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, Sở đã ban hành văn bản gửi các cơ quan liên quan, yêu cầu đẩy mạnh công tác kiểm tra và tuyên truyền". Theo đó, Sở tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ sức khỏe khi tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh hoặc không qua kiểm chứng chất lượng.

Sở cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thành phố cùng các quận, huyện tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường. Các cơ sở kinh doanh, kho hàng, đặc biệt là các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, đồ trang trí Tết được chú trọng kiểm tra. Công tác này bao gồm việc kiểm tra hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, Sở cũng hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn thực phẩm an toàn, nhận biết các dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái và hàng hết hạn sử dụng. Đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thuộc các doanh nghiệp trong nước uy tín.

Chú thích ảnh Các mặt hàng bày bán trong các siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh đã được kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm đầu vào để người tiêu dùng yên tâm mua sắm.

Theo bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, vào những ngày cận Tết và trong Tết, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng thực phẩm tăng cao, do đó vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Bà Việt Thu cũng cảnh báo, lợi dụng sức mua tăng mạnh, nhiều đơn vị đã đưa ra thị trường các loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

"Hiện nay, ngay cả một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, quy mô lớn cũng lợi dụng khẩu hiệu "nhà làm" để tạo niềm tin từ người tiêu dùng. Vì vậy, nếu mua sản phẩm từ các đơn vị không có nhãn mác xuất xứ rõ ràng hoặc không đăng ký chất lượng mà chỉ sản xuất theo thời vụ, người tiêu dùng cần xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc và uy tín của sản phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, khi chọn mua sản phẩm Tết, người tiêu dùng nên ưu tiên các sản phẩm có thương hiệu từ những nhà sản xuất đã đăng ký kinh doanh. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi và có cơ sở khiếu nại nếu xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm", bà Việt Thu nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhằm ngăn chặn tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân TP Hồ Chí Minh, Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, hoạt động từ ngày 1/1/2025 đến 31/3/2025. 

Theo đó, các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và nhập khẩu thực phẩm tại các đầu mối lớn, bao gồm chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đặc biệt, các đoàn sẽ chú trọng kiểm tra các mặt hàng thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...

Bạn đang đọc bài viết "TP Hồ Chí Minh: Tập trung kiểm soát chặt đầu vào hàng hóa dịp cuối năm" tại chuyên mục Pháp Luật. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).