‘Cú hích’ nâng cấp các trạm y tế xã

16/04/2024 21:00

(Chinhphu.vn) – Nhiều trạm y tế xã thuộc 13 tỉnh trên cả nước tham gia Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở đã được “thay da đổi thịt” cả về cơ sở vật chất và chất lượng cung ứng dịch vụ tới người dân địa phương.

Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, do Ngân hàng thế giới (World Bank) tài trợ, thời gian thực hiện trong 5 năm (2020-2024), tổng kinh phí là 11,79 triệu USD (tương đương 267,986 tỷ đồng).

Dự án tổng thể được thực hiện tại Trung ương và 13 tỉnh gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Long An. Bộ Y tế là cơ quan chủ quản Dự án.

Trạm y tế xã 'thay da đổi thịt'

Ông Phùng Nguyên Cương, Phó Giám đốc Dự án cho biết, Dự án này có mục tiêu hướng tới việc quản lý các bệnh không lây nhiễm ngay tại các trạm y tế xã một cách hiệu quả nhất, từ đó giúp người dân kiểm soát được tình trạng bệnh ngay tại địa phương, giảm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian, công sức và các chi phí khác, đồng thời góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Sau gần 5 năm triển khai, chất lượng, dịch vụ y tế ở các trạm y tế xã tham gia Dự án đã được nâng cao. Các cán bộ y tế được đào tạo và chuẩn hoá các quy trình về khám sàng lọc cao huyết áp, đái tháo đường, chăm sóc bà mẹ và trẻ em ngay tại trạm y tế xã.

"Trước đây, đa số các trạm y tế xã gặp nhiều khó khăn trong quản lý bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường… ngay tại trạm, nhưng hiện nay họ đã lập được danh sách quản lý các bệnh này ngoài cộng đồng, thậm chí phát hiện thêm các trường hợp khác mắc bệnh để quản lý ngay tại trạm y tế tuyến xã", ông Phùng Nguyên Cương chia sẻ.

Tham gia giám sát hoạt động triển khai Dự án tại tỉnh Trà Vinh, trao đổi với phóng viên, BS Lâm Hữu Hoành, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành cho biết, hiện nay mỗi ngày Trạm tiếp đón 20-30 người dân đến khám bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, trẻ em viêm đường hô hấp.

Mỗi tháng, có 65-70 người bệnh tăng huyết áp đến Trạm khám định kỳ và lấy thuốc uống; 19 bệnh nhân đái tháo đường đang được Trạm Y tế xã quản lý.

Trạm Y tế xã Mỹ Chánh cũng đang quản lý 30 sản phụ, trong đó có 5 sản phụ sắp đến ngày sinh. Các sản phụ đều có sổ quản lý thai và thường xuyên nhân viên y tế xã tư vấn, tham khám sức khoẻ.

Đây là những con số đáng ghi nhận tại một trạm y tế tuyến xã ở tỉnh Trà Vinh. Điều này chứng minh niềm tin của người dân đang dần "đặt đúng chỗ". Trạm Y tế xã Mỹ Chánh cũng là 1 trong 29 trạm y tế xã trên toàn tỉnh Trà Vinh đã và đang có một diện mạo mới, khang trang, sạch sẽ và luôn sẵn sàng phục vụ người dân địa phương.

Trà Vinh là một trong hai tỉnh đầu tiên của Dự án triển khai sớm. Theo ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, đến nay trên 90% dân số của tỉnh đã được triển khai sổ sức khoẻ điện tử; 100% trạm y tế xã có bác sĩ, thậm chí có trạm y tế có 2 bác sĩ.

Tuy nhiên, ông Kha cũng bày tỏ lo ngại khi thực tế danh mục thuốc bảo hiểm y tế ở các trạm y tế tuyến xã hiện nay còn "nghèo nàn" – đây chính là trở ngại lớn trong việc "giữ chân" người bệnh ở trạm y tế tuyến xã.

Vì vậy, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Trà Vinh rất mong muốn, ngành y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mở rộng phạm vi danh mục thuốc cho các trạm y tế xã, để thu hút người bệnh thăm khám, sàng lọc và có nhu cầu được quản lý các bệnh không lây nhiễm ngay tại tuyến xã.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng thế giới và Ban quản lý Dự án Trung ương, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, Dự án đã đem lại nhiều sự hỗ trợ cho y tế cơ sở tại tỉnh.

Cụ thể, Dự án đã đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, xây mới và nâng cấp cho 29 trạm y tế xã, cung cấp trang thiết bị cho toàn bộ các xã theo nhu cầu hỗ trợ để đạt được các tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây mới 11 trạm y tế, nâng cấp 18 trạm y tế, đạt tỷ lệ 100%. Về mua sắm trang thiết bị, có 2 gói thầu trang thiết bị theo kế hoạch đang thực hiện trong giai đoạn thương thảo và hoàn thiện hợp đồng. Toàn tỉnh đã có 851 cán bộ y tế xã được Dự án hỗ trợ đào tạo về quản lý các vấn đề sức khoẻ ưu tiên.

Dự án thành phần tỉnh Trà Vinh được triển khai thực hiện từ năm 2020 đến năm 2024, với tổng kinh phí hơn 115 tỷ đồng, trong đó gần 81 tỷ đồng là kinh phí xây dựng, gần 20 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị và khoảng 14 tỷ đồng là danh mục khác.

Tại tỉnh Bạc Liêu, cũng có 20 trạm y tế xã được xây dựng và nâng cấp theo Dự án, trong đó xây mới 7 trạm, 13 trạm được nâng cấp, sửa chữa.

Ông Phạm Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, Dự án này góp phần rất lớn trong việc nâng cấp, xây mới một số trạm y tế xuống cấp, thậm chí có trạm y tế không thể sửa chữa mà phải xây mới để phục vụ người dân, trong khi ngân sách của địa phương không thể đáp ứng đủ việc xây mới, nâng cấp tất cả các trạm y tế. 

Tỉnh đã chọn những trạm y tế xã xuống cấp nặng nề, xa trung tâm y tế huyện và bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện tư nhân... để tham gia Dự án.

'Cú hích' thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã

Bà Nguyễn Thùy Anh, đại diện Ngân hàng thế giới chia sẻ, Dự án này có mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế tuyến cơ sở tại Việt Nam.

Đến thời điểm này, những kết quả khả quan của Dự án đã đạt được, như hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản nâng cấp, xây mới các trạm y tế xã hoàn thành sớm và đúng tiến độ, các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cũng như áp dụng công cụ bảng điểm, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã.

Tuy nhiên, Dự án còn có những tồn tại, khó khăn vướng mắc, đặc biệt là chậm tiến độ về mua sắm trang thiết bị tại các tỉnh cho trạm y tế cần sớm khắc phục và nhanh chóng hoàn thành việc mua sắm.

Bà Genesis Samonte, Quỹ Tài chính toàn cầu (GFF) cũng cho biết, Dự này án ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số góp phần đảm bảo sức khoẻ, nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo các đối tượng khó khăn dễ dàng tiếp cận các dịch vụ trong chăm sóc sức khoẻ.

Bà Genesis Samonte nhấn mạnh, GFF sẽ tiếp tục đồng hành với Dự án và các địa phương của Việt Nam để triển khai các hoạt động tiếp theo.

Theo ông Phùng Nguyên Cương, các dự án hỗ trợ đầu tư và đào tạo nhân lực cho tuyến y tế cơ sở như Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, do Ngân hàng thế giới (World Bank) tài trợ, là "cú hích" thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các trạm y tế xã.

Vì vậy, để duy trì hiệu quả của các dự án một cách bền vững sau khi tham gia dự án đầu tư này, ông Cương cho rằng, các địa phương cần cam kết có kinh phí để bảo dưỡng, duy tu, bảo trì tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Về lâu dài, khi các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện thuộc phân cấp quản lý của UBND tỉnh, thành phố thì trách nhiệm của các địa phương trong việc đầu tư, phát triển y tế tuyến cơ sở trên địa bàn rất quan trọng, từ đó nâng cao chất lượng, phát triển các dịch vụ y tế ngay tại địa phương, nhàm phục vụ người dân tốt hơn, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.


Hiền Minh


Bạn đang đọc bài viết "‘Cú hích’ nâng cấp các trạm y tế xã" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).