Cơ sở thẩm mỹ thu 750 triệu đồng để giảm béo cho khách nhưng không hiệu quả

27/12/2024 20:30

Sở Y tế Tp.HCM đã tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh về cơ sở thẩm mỹ giảm béo không hiệu quả, thu tiền hàng trăm triệu đồng.

Nhiều khách hàng đòi lại tiền đã chi cho dịch vụ giảm béo

Ngày 27/12, theo thông tin từ Sở Y tế Tp.HCM, khách hàng thực hiện dịch vụ giảm béo tại cơ sở Dong Yang, trước đây có địa chỉ tại 307i Nguyễn Văn Trỗi (phường 1, quận Tân Bình), hiện đã chuyển về địa chỉ mới tại 17 Hoàng Dư Khương (phường 12, quận 10).

Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều khách hàng phản ánh yêu cầu hoàn tiền vì dịch vụ giảm béo không đạt kết quả như đã thỏa thuận. Một số khách hàng yêu cầu trả lại số tiền đã chi trả, có người đã phải bỏ ra số tiền lên tới 750 triệu hoặc 350 triệu đồng cho dịch vụ này.

Khi tiến hành kiểm tra, Sở Y tế Tp.HCM phát hiện cơ sở này đăng ký hoạt động dưới 2 loại hình kinh doanh: Hộ kinh doanh Lê Thu Trang và Công ty TNHH Phòng khám Quốc tế VHAN. Đây là mô hình phổ biến hiện nay trong ngành dịch vụ giảm béo, đã bị Sở Y tế kiểm tra và xử lý trước đó.

Sở Y tế Tp.HCM cho biết, khi kiểm tra tại tầng 6 của cơ sở, đoàn phát hiện kho chứa vật dụng như nước giặt, khăn giấy và văn phòng phẩm, nhưng cũng phát hiện một phòng nhỏ được ngụy trang sau các kệ đựng đồ.

Trong phòng này chứa các thiết bị y tế như gạc, kim tiêm, thuốc tê, Filler, Botox, cùng các sản phẩm mỹ phẩm khác, cho thấy dấu hiệu hoạt động tinh vi và có thể đối phó với cơ quan chức năng.

Thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán các sản phẩm nêu trên.

Cơ sở thẩm mỹ thu 750 triệu đồng để giảm béo cho khách nhưng không hiệu quả- Ảnh 1.

Cơ sở thẩm mỹ thu hàng trăm triệu tiền giảm béo nhưng không hiệu quả.(Ảnh SYT).

Ngoài ra, tại địa chỉ 307i Nguyễn Văn Trỗi (phường 1, quận Tân Bình), cơ sở Dong Yang đã bị Sở Y tế Tp.HCM xử phạt 95 triệu đồng và đình chỉ hoạt động trong vòng 4,5 tháng do vi phạm các quy định liên quan đến việc sử dụng thuốc, chất, và thiết bị can thiệp vào cơ thể người.

Các hành vi vi phạm bao gồm phẫu thuật, thủ thuật, tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt, hoặc các can thiệp xâm lấn khác để thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, và các bộ phận trên cơ thể như da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông, cũng như các hoạt động xăm, phun...

Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện tại cơ sở này một kho chứa hồ sơ, tài liệu liên quan đến Công ty TNHH BB Beauty, một cơ sở khác cung cấp dịch vụ giảm béo.

BB Beauty đã từng bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt 49 triệu đồng vì quảng cáo sai về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, ghi tên các khoa, phòng không đúng với giấy phép hoạt động. Hiện cơ sở này đã tạm ngưng hoạt động tại địa chỉ 550 Đường Ba Tháng Hai (phường 14, quận 10).

Sở Y tế Tp.HCM tiếp tục tiến hành xác định và làm rõ các sai phạm tại các cơ sở Dong Yang (quận Tân Bình), BB Beauty, và VHAN (Quận 10) và sẽ xử lý nghiêm theo quy định và công khai kết quả trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế.

Đừng đánh cược sức khỏe của mình để giảm béo

Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Bệnh viện Thẩm mỹ JW cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp biến chứng do tiêm mỡ nhân tạo để làm đẹp, trong đó có không ít người tự mua và tiêm tại nhà.

Thực tế, khái niệm "mỡ nhân tạo" không tồn tại trong y khoa, mà chỉ là cách lừa gạt khách hàng. Đây có thể là silicone lỏng, loại chất đã bị cấm từ lâu. Khi tiêm vào cơ thể, silicone lỏng cực kỳ nguy hiểm, có thể ăn mòn mô cơ và gây nhiễm trùng hoại tử.

Cơ sở thẩm mỹ thu 750 triệu đồng để giảm béo cho khách nhưng không hiệu quả- Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm tại cơ sở giảm béo thu tiền khách hàng hàng trăm triệu đồng. (Ảnh: SYT).

Người phụ nữ bỏng toàn bộ khuôn mặt vì làm đẹp cấp tốc đón TếtBê Trần - Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ luôn đi đầu với sứ mệnh làm đẹp cho đời2 cơ sở thẩm mỹ gây biến chứng cho bệnh nhân: Đừng để quảng cáo "dắt" đi làm đẹp

"Hiện nay, nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao, nhưng song song đó là sự xuất hiện của các phương pháp làm đẹp không an toàn, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Để bảo vệ sức khỏe và duy trì sắc đẹp một cách an toàn, hãy lưu ý lựa chọn cơ sở uy tín được Bộ Y tế cấp phép, cảnh giác với hợp chất không rõ nguồn gốc, kiểm tra chuyên môn của người thực hiện có phải bác sĩ chính quy hay không.

Đặc biệt, là thời điểm cận Tết, thị trường làm đẹp cực kỳ sôi nổi đòi hỏi khách hàng càng phải nâng cao cảnh giác để bảo vệ tính mạng chính mình", bác sĩ Tú Dung nhấn mạnh.

Bác sĩ Tú Dung chia sẻ thêm, trong lĩnh vực y tế, đối với hoạt động giảm béo, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì".

Trong đó, nguyên tắc điều trị chung là can thiệp lối sống, bao gồm các biện pháp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý, điều trị bằng thuốc và phối hợp nhiều chuyên khoa để giảm cân một cách bền vững và an toàn.

Tài liệu này không ghi nhận việc sử dụng máy Laser, RF trong điều trị giảm béo. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực y học cổ truyền, Bộ Y tế đã cho phép triển khai các kỹ thuật hỗ trợ giảm béo, kết hợp với vận động, chế độ dinh dưỡng hợp lý trong suốt quá trình điều trị.


Bạn đang đọc bài viết "Cơ sở thẩm mỹ thu 750 triệu đồng để giảm béo cho khách nhưng không hiệu quả" tại chuyên mục Y tế - Sức khỏe. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).