Người làm khoa học được góp vốn vào doanh nghiệp
Đại biểu Lê Quân (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, Dự thảo Luật bổ sung nội dung về khoa học cơ bản, bao gồm khoa học xã hội và nhân văn, nhấn mạnh đầu tư cho lĩnh vực này là điểm tiến bộ. Khoa học cơ bản, đặc biệt khoa học xã hội, nhân văn là nền tảng bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, tạo sức mạnh cho quốc gia. Tuy nhiên, khoa học xã hội, nhân văn khác với các lĩnh vực khác, cần chủ trương rõ ràng của Nhà nước để đảm bảo kinh phí nghiên cứu.
.jpg)
Đại biểu Lê Quân cho rằng, điểm mấu chốt để thúc đẩy khoa học công nghệ chính là cơ chế phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Cơ chế này sẽ giúp tăng động lực sáng tạo, tạo thu nhập ổn định cho nhà khoa học. Đồng thời, người làm khoa học được góp sức vào doanh nghiệp để thương mại hoá kết quả nghiên cứu. Trường đại học không thể lập nhiều doanh nghiệp để thương mại hoá kết quả nghiên cứu mà cần sự hợp tác giữa hai bên. Do đó, Nhà nước cần tạo cơ chế hợp tác giữa nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Một điểm nhấn khác là việc coi trường đại học là trung tâm đổi mới sáng tạo, nơi kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu. Đại biểu Lê Quân đề xuất điều chỉnh quy định để đại học được giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp năng lực, thay vì bị xem nhẹ như hiện nay.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng khẳng định, nghiên cứu khoa học không bao giờ là vô ích, kể cả khi thất bại: “Ngay cả khi không đạt được mục tiêu ban đầu, nghiên cứu vẫn đem lại giá trị, chỉ ra con đường giúp người khác tránh lặp lại sai lầm. Do đó, cần phải có đánh giá kết quả nghiên cứu từ Hội đồng chuyên môn, tránh tình trạng lạm dụng để làm thất thoát tiền đầu tư Nhà nước”.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hiện cách đánh giá kết quả nghiên cứu còn mang tính hành chính, chưa phản ánh đúng thực chất công trình. Đồng thời, kết quả nghiên cứu phải được công bố trên tạp chí nghiên cứu khoa học để minh bạch.
Tránh tắc từ thủ tục đấu thấu
Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, góp ý vào điều 51, 52 của dự thảo Luật, liên quan đến ưu đãi cho cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ với các nội dung như: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, phát triển công nghệ, ưu tiên bổ nhiệm, tuyển dụng, xếp vị trí việc làm, thu nhập, thuế thu nhập cá nhân, lao động, nhà ở, xuất nhập cảnh, cư trú, giấy phép lao động và cấp học bổng cho nghiên cứu viên sau tiến sĩ, nghiên cứu sinh...
Từ thực tiễn, đại biểu chỉ ra rằng, nhiều cán bộ được cử đi đào tạo nước ngoài, học được công nghệ, quy trình tiên tiến, nhưng khi về nước, việc sử dụng kiến thức của họ chưa được quan tâm. Sau đào tạo, họ muốn áp dụng vào thực tiễn trong nước, nhưng do thiếu kinh nghiệm và thủ tục xin đề tài nghiên cứu phức tạp, họ khó nhận kinh phí, dẫn đến loay hoay và bỏ lỡ kiến thức. Đại biểu đề nghị bổ sung khoản kinh phí ưu tiên cho những người được đào tạo nước ngoài, giúp họ áp dụng công nghệ vào thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan chỉ ra một vướng mắc lớn đang gây khó cho quá trình thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ là quy định cứng nhắc từ Luật Đấu thầu. Hiện nay, sử dụng kinh phí theo luật đấu thầu, nhưng có thực tế giá bỏ thầu thấp, dẫn đến chất liệu cho nghiên cứu không đáp ứng được quá trình thử nghiệm… Do đó, cần rà soát kỹ trong Luật Đấu thầu, để tránh vướng mắc.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong hệ thống đổi mới sáng tạo, khoa học xã hội và nhân văn cần được đầu tư bài bản và nhìn nhận đúng vị trí. Hiện nay, nội dung về khoa học xã hội và nhân văn trong dự thảo Luật còn mờ nhạt, chưa tạo được động lực phát triển.
.jpg)
Bên cạnh đó, tại khoản 3, điều 29 dự thảo Luật, ngoài bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, cần xác định các lĩnh vực ưu tiên trong kỷ nguyên mới như: Nghiên cứu xã hội số, tác động của chuyển đổi số, khoa học dữ liệu xã hội, trí tuệ nhân tạo và đạo đức, xã hội học môi trường, kinh tế học hành vi, an ninh phi truyền thống.
Để khoa học xã hội và nhân văn đóng góp hiệu quả hơn, Đại biểu Bùi Hoài Sơn đề xuất bốn nhóm giải pháp: Xây dựng chương trình quốc gia cho khoa học xã hội và nhân văn; khuyến khích công bố quốc tế; thúc đẩy nghiên cứu liên ngành và đảm bảo các chính sách tài trợ, hỗ trợ thực chất.